nhận thư từ gì cả. Tôi có cảm giác là ông ta xa lánh mọi người. Cái này là
cái tôi thấy không ổn.”
“Sao vậy,” trung sĩ Kolda nói, “vì ông ta tránh mọi người à?”
“Ông ta không trốn tránh,” ông Pacovský nói thiếu tự tin, “nhưng...
ông ạ, ai mà lại về thôn quê để cư trú vào tháng Chín cơ chứ? Và cứ có xe
dừng trước quán thì ngay cả khi đang ăn ông ta cũng đứng dậy luôn và đi
lên phòng mình. Nó là như vậy. Tôi nói cho ông biết là tôi thấy cái ông
Roedl ấy không ổn.”
Ông Kolda nghĩ ngợi một lát. “Ông Pacovský ạ, thế này nhé,” ông ta
nói rất khôn ngoan, “ông thử nói với ông ta là tháng Chín quán trọ đóng
cửa. Để ông ta đi Praha hay sang huyện khác đi, đúng không! Chúng ta có
cần ông ta ở đây làm gì đâu? Thế nhé.”
Một ngày sau đó, cảnh sát trẻ Hurych còn được gọi là Marinka hay
Panenka thuộc đội tuần tra, đang đi tuần trở về, trên đường anh ta bỗng
nghĩ là sẽ đến quán bia và anh ta đi từ phía rừng về đến sân quán bia Na
vyhlídce. Khi đến cửa sau quán anh ta dừng lại để thông cái tẩu. Lúc đó anh
ta nghe thấy có tiếng động từ cửa sổ tầng hai thông ra sân và có cái gì đó
rơi đánh bịch một cái xuống đất. Panenka chạy vào sân và giữ chặt vai
người đàn ông bỗng nhiên nhảy xuống từ cửa sổ. “Này,” anh ta nói giọng
quở trách, “ông làm gì thế hả?”
Người đàn ông bị anh ta giữ chặt vai mặt tái xanh và vẻ mặt nhợt nhạt.
“Tại sao tôi lại không được nhảy chứ?” ông ta yếu ớt trả lời. “Tôi đang trọ
ở đây mà.”
Cảnh sát Panenka nghĩ ngợi rất nhanh trong bối cảnh ấy. “Có thể,” anh
ta nói, “nhưng tôi không thích cái việc ông nhảy từ cửa sổ xuống.”
“Tôi đâu biết là việc này bị cấm,” người đàn ông nhợt nhạt ấy xin lỗi.
“Ông cứ hỏi ông Pacovský có phải tôi đang trọ đây không. Tôi là Roedl.”