“Trời ạ, ông Roedl ơi,” ông Kolda thở hắt ra, “tôi thấy ông không ổn!
Tôi sẽ không tranh cãi với ông. Ông ngồi xuống và im đi.” Sau đó ông ta
cầm lấy báo và đọc tiếp.
“Ông xem đây, ông Roedl,” ông ta nói sau một lát, “ánh mắt của ông
đã thể hiện hết rằng hoàn cảnh của ông không tốt đẹp gì. Ở địa vị của ông
thì tôi sẽ khai hết và ông sẽ yên thân. Nhưng nếu ông không muốn thì cũng
tốt thôi.”
Ông Roedl ngồi đấy mặt xám ngoét và mồ hôi nhễ nhại. Ông Kolda
theo dõi ông ta, khịt mũi khó chịu và sau đó ông ta xếp lại mấy cái nấm
rừng mà ông ta đang phơi bên lò sưởi.
“Này, ông Roedl ạ,” ông ta lại bắt đầu sau một lúc, “thế thì chúng tôi
sẽ phải tìm lai lịch của ông, còn ông tạm thời cứ ngồi trong khám và sẽ
không có ai nói chuyện với ông. Ngài ạ, ngài đừng nên khó chịu như thế!”
Ông Roedl kiên trì ngồi và im lặng còn ông Kolda ngao ngán ầm ừ và
lau tẩu thuốc. “Được thôi,” ông ta nói, “cái này có thể kéo dài cả tháng cho
đến khi chúng tôi tìm ra ông, ông Roedl ạ, nhưng tháng ấy sẽ không được
tính vào án. Thế thì uổng phí mất cả một tháng đấy!”
“Còn nếu tôi khai,” ông Roedl lưỡng lự, “thế...”
“Thì người ta sẽ tạm giữ ông, đúng không,” ông Kolda giải thích, “và
tháng ấy sẽ được tính. Ông làm gì thì làm. Tôi không ưa ông đâu, tôi sẽ vui
nếu họ mang ông lên tòa án tỉnh. Thế đấy ông Roedl ạ.”
Ông Roedl thở dài, trong ánh mắt trốn tránh của ông ta hiện rõ nét đau
khổ và tức tối. “Tại sao,” ông ta thốt lên, “tại sao ai cũng nói là tôi không
ổn?”
“Vì ông sợ hãi,” ông Kolda thận trọng nói. “Ông đang giấu giếm điều
gì đó, ông Roedl ạ, và cái này chẳng ai ưa. Tại sao ông không nhìn thẳng
vào mắt bất cứ ai? Ông không yên. Thế đấy, ông Roedl ạ.”
“Tôi tên là Rosner,” người đàn ông xám ngoét bứt rứt sửa lại tên mình.