“Nó đấy,” Jindřich Bašta bình thản trả lời và lấy ngón tay gạt tàn thuốc
xuống hố. “Các vị cần gì nữa không?”
“Ông biết không,” tối hôm đó trung sĩ Trnka nói với ông Janík trong quán
bia, “ông đúng là nhà tâm lý, cái này ông phải giữ lấy đấy. Chúc sức khỏe,
uống nào! Thằng ấy mềm đi khi nghe ông nói, anh Bašta ơi. Hắn sĩ diện
mà, đồ khốn! Còn chúng tôi thì lôi hắn đi khắp nơi. Thưa ông làm thế nào
ông biết là sự lịch thiệp tác động mạnh thế?”
“Cái này,” người hùng của ngày đỏ mặt lên nói, “nó thế này, các vị
biết không? Tôi ấy mà, các vị biết đấy, với ai tôi cũng thưa gửi. Mà tôi
cũng thương cái anh Bašta ấy và tôi muốn cho anh ấy cái bánh mì trắng...”
“Sự linh cảm,” trung sĩ Trnka tuyên bố. “Tôi bảo cái này là biết ngửi
việc và tâm lý học. Chúc sức khỏe, nào ông Janík! Tiếc quá, ông nên làm
cho chúng tôi...”
Một thời gian sau ông Janík đi tàu đêm có giường ngủ đến Bratislava; ở đó
có cuộc họp đại hội đồng cổ đông của một nhà máy giấy tại Slovakia. Lý
do là ông Janík hợp tác nhiều với nhà máy này nên ông muốn có mặt. “Anh
nhớ đánh thức tôi trước khi tàu đến Bratislava nhé,” ông dặn người soát vé
trên tàu, “để tôi không bị tàu chở ra ngoài biên giới.” Nói xong ông lên
giường ngủ ở toa W.L., trong lòng vui vui vì ông đi một mình trong
khoang, ông ngả mình xuống gần như chết. Ông còn suy nghĩ một lát về
các thương vụ rồi sau đó ngủ thẳng. Ông không biết mình đang ở đâu khi
người soát vé mở cửa khoang cho một người đàn ông, người ấy cởi áo và
leo lên giường tầng trên. Trong ánh sáng mờ ông Janík nhìn thấy đôi ống
quần và hai cẳng chân dày lông một cách không bình thường của người
đồng hành này đung đưa. Ông nghe thấy người đàn ông ấy đằng hắng và
chui vào trong chăn, sau đó người ấy tắt đèn, rồi tiếng ồn của tàu chạy cùng
với bóng tối trùm lên tất cả. Ông Janík mơ thấy cái này, cái kia, nhưng ông
bị đôi chân lông lá ấy đeo đuổi. Ông tỉnh giấc sau một lúc tĩnh lặng khá dài