biết tội lỗi, còn Chúa biết cả cuộc đời người, vì vậy chỉ thẩm phán xử được,
còn Chúa, hoàn toàn bất lực. Với Chúa, không thể xử án được con người...
Có ý kiến cho rằng, thông qua các câu chuyện về các phiên tòa, Karel
Čapek, cây bút nhân văn chủ nghĩa muốn khẳng định một chủ nghĩa tương
đối (relativismus) trong lĩnh vực tư pháp. Theo ông, chân lý không bao giờ
bộc lộ đầy đủ và biểu hiện một cách rõ ràng, chính xác. Tất cả đều phụ
thuộc vào góc nhìn của người săn tìm.
Nhà văn Karel Čapek đăng đàn khi văn học châu Âu đang rơi vào
khủng hoảng, một sự khủng hoảng biểu hiện trước hết là trong trạng thái
“chồng lấn, mập mờ” giữa văn học đại chúng và văn học tinh hoa. Độc giả
khó lòng phân biệt và chọn lựa một trong hai dòng văn học giải trí và văn
chương đích thực. Čapek xuất hiện như một sự đáp ứng kịp thời nhu cầu
thẩm mỹ của thời đại. Kịch bản và văn chương triết học, gắn với các chủ đề
khoa học viễn tưởng, văn minh công nghệ của ông thực sự là những tiếng
nói nghệ thuật mới, mở thêm một con đường phát triển cho văn học châu
Âu. Vì vậy, ngay lúc sinh thời cho đến lúc qua đời, các tác phẩm của ông
đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Trong dòng chảy của văn
hóa Czech và văn hóa châu Âu, Karel Čapek vẫn như một cây đại thụ lặng
lẽ tỏa bóng vào sáng tác của những nhà văn hiện đại và hậu hiện đại hôm
nay.
Bản dịch tập truyện này là thành quả dịch thuật kết tinh nhiệt tình lao
động, kinh nghiệm ngôn ngữ và nhất là niềm say mê văn học của kỹ sư
Phạm Công Tú. Với bản dịch này, ta đã có thêm một nhịp cầu nối đôi bờ
văn hóa Tiệp Khắc-Việt Nam.
PGS-TS PHẠM THÀNH HƯNG