nhất trong những tay mạo hiểm của mọi thời đại, kẻ tàn bạo và táo tợn
Charles Fitzcarraldo nện gót giầy lên vùng rừng Manú.
Hâm mộ nghệ thuật hát bel canto, hắn ta đi đâu cũng mang theo máy
hát và hàng trăm đĩa than.
Thổ dân Machiguenga gọi hắn với cái tên “người mang giọng nói của
các thần” một cách đầy ngưỡng mộ, đón tiếp hắn với một sự hào phóng
đáng để học hỏi. Người Kogapakori và người Ashuar ứng xử theo cùng một
cách. Lời đáp của Fitzcarraldo là biến họ thành nô lệ để hằng ngày đi hứng
nghìn nghìn những giọt nhựa mủ chảy ra từ những vết thương há miệng
trên thân những cây cao su, nhưng thứ duy nhất tuôn chảy dạt dào là máu
của những người dân rừng Amazon. Những con số thống kê lạc quan nhất
cho biết đã có ba mươi nghìn thổ dân chết trong một năm. Đó là cuộc đại
gặp gỡ đầu tiên của rừng Manú với nền văn minh phương Tây và Thiên
Chúa.
Một năm sau, trong khi Fitzcarraldo đi thuyền trên sông Urubamba,
tìm kiếm một bến cảng có thể dùng làm trạm cuối cho tuyến đường sắt mà
hắn đã đặt mua ở Đức, khu rừng đã trả thù và nuốt chửng mãi mãi tên mạo
hiểm khát máu.
Một vài người cho rằng hắn đã chìm dần trong vùng đầm lầy và khi
chỉ còn phần đầu nổi trên mặt lầy hẳn cất lời hát một bản aria, lần đầu được
cất vống lên trong tiếng òng ọc tàn bạo của nước và lá mục. Số khác cam
đoan rằng sau nhiều ngày trên sông Madre de Dios, quá mệt nên hắn ngủ
thiếp đi, và đám thổ dân, tranh thủ sự vắng mặt như trong mộng của hắn,
nhảy xuống nước và phó mặc hắn cho dòng chảy.
Dù sự thật là thế nào, cái chết của Fitzcarraldo có tác dụng làm thế
giới quên đi vùng đất mang tên Manú này, miền đất bắt đầu từ phần cao
nhất của cerro
Tres Cruces, gần bốn nghìn mét phía trên mặt nước biển,
và từ đó ta có thể ghé xuống vực sâu mây phủ, khi trắng khi mù xám làm ta