tưởng phía dưới vẫn là phong cảnh nhuốm màu nâu đất của dải Andes,
nhưng chỉ cần xuống năm trăm mét phía dưới đã gặp lại vương quốc của
nước.
Trên cao trời lạnh, rất lạnh, cái lạnh càng thấm thìa hơn khi có những
cơn mưa bất chợt và dai dẳng vốn ưu đãi sự phát triển của thảm thực vật
thưa thớt, đa phần là các loại địa y, rêu, phong lan không đâu khác sánh kịp,
các loại thảo dược và rễ cây mạnh mẽ chắt lọc phù sa và khoáng chất đến
theo dòng thác mưa và chở đầy chất sống cho rừng Manú và Amazon.
Thi thoảng, trên đường xuống, một lớp mây chợt mở ra trong giây lát
cho ta thoáng thấy mảng màu xanh ngọc của mặt nước hồ hoặc cánh bay
của một đàn chim “cổ rắn”, giống sếu chân có màng với bộ lông màu xanh
tím than pha trắng, với cái cổ dài xám cùng mỏ vàng thuôn dài. Giây phút
đó tôi cảm nhận niềm hạnh phúc mà kẻ bất hạnh Fitzcarraldo chưa từng
biết tới, niềm vui khi biết rằng trong chín nghìn loài chim tồn tại trên thế
giới có gần một ngàn sống tập trung trong rừng Manú. Tuy nhiên, đó chỉ là
niềm vui thoảng qua vì sau đó tôi nhớ ra rằng ở ngay châu Âu già nua và
uyên bác, từ ba nghìn loài chim được ghi vào danh mục hồi đầu thế kỷ nay
chỉ còn năm trăm loài. Thật là một thôi thúc mạnh mẽ nhằm chấm dứt thói
quen phi lý của những buổi đi săn tiêu khiển cuối tuần, chỉ để tiêu diệt
những gì đang bay.
Ta tiếp tục đi xuống. Ở độ cao hai nghìn mét, cái lạnh vẫn bám riết dai
dẳng và ẩm ướt thấm qua lớp áo quần. Dốc xuống không dễ dàng; thường
xuyên xảy ra lở đất và chỉ cần lớp rễ của một bụi cây không bám trụ được
rời ra là đủ làm nhiều tấn bùn và phù sa trút xuống sườn dốc.
Từ năm 1987, khi UNESCO tuyên bố Manú là di sản nhân loại, ta có
thể bắt máy bay từ Cuzco đến thẳng rừng, nhưng vẻ quyến rũ của hành
trình lại nằm trong chính những khó khăn của nó, những khó khăn mà ta sẽ
được đền đáp một cách phải phép, vì cứ mỗi mét đi xuống, thảm thực vật
lại thay đổi, độ lớn của các giống cây lại tăng lên, cũng như sự đa dạng của