Lên chín tuổi, sau khi cha mất, ông trở về Vilnius, giống với tất cả
những thành phố Đông Âu có lượng người Do Thái đông đảo, là một trung
tâm văn hóa rạng rỡ. Einstein và Freud thường đến “thành Jerusalem vùng
Baltic” này, như cách người ta vẫn gọi tên thành phố, để diễn giảng và đào
sâu những lý thuyết của mình. Các tạp chí văn học, khoa học và chính trị
sinh sôi nảy nở. Tầm quan trọng đạo đức của thành phố Vilnius rạng ngời
lan tỏa tới nhiều quốc gia cho tới khi con thú Quốc xã bắt đầu phát tiếng
gầm gừ và cuộc tấn công của Đức vào Ba Lan châm ngòi cho Chiến tranh
Thế giới thứ hai.
Những con tàu có thể bị đánh chìm trên mặt đất? / Tôi cảm thấy dưới
chân mình những con tàu đang chìm, Sützkever viết, và chẳng lâu sau ông
biết đến những tác động đầu tiên của vụ đắm tàu; quân Đức chiếm Litva và
dồn người Do Thái vào một khu biệt cư.
Đêm đầu tiên ở khu biệt cư là đêm đầu tiên trong mồ / sau đó ta thích
ứng với nó, Sützkever viết tuy nhiên những vần thơ này không bao hàm
một chút cam chịu nào, mà nói lên tính tất yếu phải phản kháng để ra khỏi
nấm mồ đó.
Sau hai năm trong khu biệt cư ở Vilnius, một sáng nọ, bọn Quốc xã
nói với những người dân, những cơ thể sống, những thành viên của đại gia
đình nhân quần rằng ngày hôm đó họ phải chết. Avrom Sützkever có mặt ở
đó, đào những cái hố nơi những thân thể người ngã xuống.
Những nhát xẻng, nhát mai ấn vào và rút ra khỏi một lớp đất mềm đi
vì nước mưa, không gặp phải bất cứ cản kháng nào ngoài những viên sỏi,
một cái hạt, hay một mẩu rễ cây. Đột nhiên, nhát mai của Avrom Sützkever
cắt đứt một con giun thành hai phần, và nhà thơ ngạc nhiên nhìn hai phần
cắt đó bò theo nhau...
... con giun cắt đôi giờ thành bốn / một nhát cắt nữa rồi bốn sẽ nhân
lên / và những sinh linh đó tạo ra từ bàn tay tôi? / Bây giờ mặt trời trở về