trong hồn tối tăm tối / và hy vọng làm cánh tay tôi mạnh mẽ: / như con giun
kia không chịu nộp mình cho lưỡi mai / anh không lẽ không bằng con giun
đất?
Avrom Sützkever sống sót sau trận xả súng đó. Bị thương, ông ngã
xuống hố bên cạnh những người bạn đã chết, họ bị lấp đất lên, nhưng ông
tiếp tục kháng cự.
Lý trí của ông kháng cự và nó mạnh hơn nỗi sợ hãi lẫn đau đớn. Trí
tuệ của ông chống trả và mạnh hơn nỗi tức giận. Tình yêu cuộc sống của
ông phản kháng và ông rút ra từ đó năng lượng cần thiết để thoát khỏi cái
chết, sống bí mật trong khu biệt cư và tổ chức một lực lượng chiến binh,
dưới sự chỉ huy của nhà thơ, đã khởi đầu cho lực lượng kháng chiến vũ
trang của các nước vùng Baltic.
Những người sống sót sau nạn diệt chủng sẽ không bao giờ thôi nhớ
về những thông điệp truyền hy vọng mà, giữa thời khắc ghê rợn, Sützkever
gửi đến họ trong những khu biệt cư của Trung Âu và đôi khi tới tận những
trại hủy diệt. Một trong số đó là bài ca kháng chiến tuyệt vời bất hủ mang
tựa “Thành phố ngầm”. Trong đó Sützkever miêu tả cuộc sống của mười
con người - số lượng tín hữu cần thiết trong đạo Do Thái để cầu nguyện
nhóm - đang sống sót trong một nơi ô uế hoàn toàn tăm tối. Họ không có gì
ăn nhưng một trong số họ gánh vác việc tuân thủ đúng nghi lễ chuẩn bị thịt
theo kiểu người Do Thái. Không đủ vải mặc che kín thân nhưng một người
phụ trách việc bảo trì áo quần. Một phụ nữ mang thai đảm nhiệm chăm sóc
và dạy dỗ trẻ con, họ không có bác sĩ nhưng có một người khuyên bảo và
an ủi, một người mù làm việc cảnh giới, vì tăm tối vốn là thế giới của anh,
một giáo trưởng vừa mới có bằng cấp một cách bí mật xin được làm người
chữa giày, một chàng trai trẻ làm thủ lĩnh và tổ chức báo thù, một thầy giáo
viết mỗi ngày một thời luận gìn giữ ký ức, và một nhà thơ đảm đương việc
gợi nhớ họ về cái đẹp.