lên / rồi thêm vào củi khô / để than hồng và hơi ấm của nền văn hóa chúng
ta sống mãi.
Tôi ra khỏi văn phòng du lịch với một vé máy bay và, ngày hôm sau,
khi đang ngồi trên máy bay tới Kiruna, tôi nhớ lại những ngày vui sống
hạnh phúc ở Laponia thời kỳ giữa những năm 1980. Tôi đã tới đó vào tháng
Bảy, khi ngày dài vô tận, để thăm một người phụ nữ Chile kỳ lạ vì tình yêu
đã trở thành người Laponia.
Cô ấy tên là - và tôi hy vọng cô vẫn mang tên này - Sonia Hidalgo,
một nhà nhân học đã đến Laponia năm 1979, khi chính phủ Na Uy tuyên bố
xây dựng một nhà máy thủy điện ở Altaev.
Để thực hiện dự án này, phải phá một diện tích rừng rộng lớn trong đó
có một phần mà người Laponia từ trước vẫn luôn được hưởng hoa lợi, điều
đó đã gây ra một đợt phản đối mạnh mẽ, không chỉ của người Laponia ở Na
Uy, Thụy Điển và Phần Lan mà của cả nhiều tổ chức bảo vệ thiên nhiên.
Thời đó, ở Thụy Điển, có một vụ tranh chấp giữa tất cả dân Laponia
và chính phủ Thụy Điển. Đó là quyền hưởng hoa lợi từ những vùng chăn
thả tuần lộc trên fjälls (vùng núi). Sau mười lăm năm lần khất, Tòa án Tối
cao Stockholm tuyên như sau: người Laponia có quyền được hưởng một
phần hoa lợi của vùng đất tranh chấp, nhưng vì từ thời Gustav Wasa, người
sáng lập nhà nước Thụy Điển và chế độ quân chủ thế tập thống trị từ năm
1523, vùng Laponia là sở hữu của nhà nước, chỉ nhà nước được quyết định
việc sử dụng và số phận của nó.
Người Laponia thua trận này, nhà máy thủy điện được xây dựng, và kỷ
niệm về một đạo luật phi lý của Thụy Điển được thông qua năm 1971 làm
nỗi thất bại thêm cay đắng: đạo luật này cho rằng không phải nền văn hóa,
ngôn ngữ, nghề thủ công, truyền thống, những mối liên hệ lịch sử hay nơi
sinh được dùng để xác định ai đó là người Laponia hay không. Yếu tố chủ
yếu là sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc.