Đó là một công trình kỷ niệm bị tuyết che phủ một phần, thể hiện hình
ảnh của bốn người đàn ông đang vác một đoạn đường ray. Đó là một đài
tưởng niệm tỏ lòng cảm phục tới những nhân vật chính huyền thoại của
một kỳ tích siêu phàm: từ năm 1882 đến 1900, một tuyến đường sắt khởi
hành từ Luleä đi qua Malmberget và Kiruna, sau đó băng qua năm trăm ki
lô mét những núi, sông băng, đầm lầy và rừng để đến cảng Norvik, ở Na
Uy, rồi từ đó, sắt đã từng, và vẫn luôn được lên tàu đưa đi khắp thế giới.
Bốn nghìn người Laponia, nam và nữ, đã thực hiện kỳ tích này. Họ
làm việc trong điều kiện âm năm mươi độ, chống chọi lại bệnh tật, những
cuộc tấn công của gấu, sói, và là nạn nhân của các tai nạn đã cướp đi cuộc
sống của hơn một nửa trong số họ. Thân thể họ, đầu tiên được chôn dọc
theo tuyến đường sắt, nhiều năm sau được quy tụ về nghĩa trang đường sắt
ở Torneham, trên đường biên giới Thụy Điển-Na Uy. Và trước đài kỷ niệm
này, như Romain Gary, tôi thốt lên: “Vinh quang thay những người mở
đường lẫy lừng!”
Kỷ niệm còn lại là một chữ thập bằng đá hoa cương giản dị có khắc:
“Ana. Na Uy”. Người ta không biết gì nhiều về người phụ nữ đã mất vào
mùa đông năm 1889 do bệnh lao này: chỉ biết cô làm bếp cho công nhân
đường sắt, họ đặt biệt danh cho cô là Gấu Đen vì cô lúc nào cũng dính đầy
nhọ nồi. Theo dòng thời gian, cô trở thành nhân vật nữ chính của những
cuốn tiểu thuyết, bài ca và phim ảnh. Để lưu truyền kỷ niệm về cô, dạo mùa
xuân, những công nhân đường sắt đã đi đến Narvik và chọn ở đó một nữ
hoàng sắc đẹp có đeo một vương miện bằng than đá và trong tay giơ cao
danh hiệu Hoa hậu Gấu Đen.
Từ Kiruna, cũng như từ bất cứ địa điểm nào ở Laponia, mọi con
đường đều dẫn đến Jokkmokk, một thị trấn do vua Karl IX dựng lên năm
1605, theo lịch sử Thụy Điển, nhưng người Laponia khẳng định rằng
Jokkmokk tồn tại từ nhiều thế kỷ trước và rằng ông vua chỉ việc xây lên ở
đó một nhà thờ và một khu chợ nhằm tạo đầu ra cho những sản phẩm của