người nông dân, lẳn các đường gân và vết bẩn, bà đưa chúng tôi bức ảnh
lồng trong chiếc khung gỗ.
Đó là một cô gái đẹp, chụp trong tư thế đứng trên cánh một chiếc máy
bay, cô mang một chiếc áo va rơi bằng da thắt đai lưng quân sự, nhà nhiếp
ảnh đã làm ngưng cơn gió đang đùa với chiếc khăn choàng cô quấn quanh
cổ, và với mái tóc hẳn là màu vàng óng của cô.
Bên cạnh cô, ta thấy một cô gái khác, tròn trịa trong bộ áo liền quần
của thợ máy. Phía dưới bức ảnh có nhiều chữ ký, tôi không đọc được, và
những vết đóng dấu đã phai màu hình cờ búa liềm. Cô phiên dịch trao đổi
vài câu với cụ già, người chỉ cô gái tròn trịa trên tấm ảnh, bằng những ngón
tay run run, và mỉm cười.
Hai người tiếp tục nói, tôi không hiểu dù một từ, tôi đồ rằng họ thảo
luận về giá, cho tới khi Ludmila đưa cho cụ tất cả số tiền cô mang theo
mình và rời đi, hai môi mím chặt.
Trong căn hộ của cô, giữa lúc chúng tôi đang uống trà, Ludmila mở
một cuốn sách về Chiến tranh Thế giới thứ hai và kể tôi nghe câu chuyện
về tấm ảnh.
Cô gái đẹp trong bức ảnh tên là Lilia Vladimirovna Litviak và cô là
phi công lái máy bay tiêm kích. Cô sinh ra ở Moscow một ngày tháng Tám
năm 1921; hai mươi tuổi, cô ra trận lần đầu trên bầu trời Stalingrad và,
cùng với năm nữ phi công khác trong sư đoàn 286 của Hồng quân, cô lập
thành một phi đoàn mang tên Những bông hồng trắng Stalingrad. Cầm lái
những chiếc Yakolev-I thần tốc, các cô chống trả quân Đức và chỉ trong ít
thời gian trở thành cơn ác mộng của Luftwaffe. Một bông hồng trắng vẽ
trên nền ngôi sao đỏ là dấu hiệu nhận dạng máy bay của Lilia, đội trưởng,
người mà từ tháng Chín năm 1942 đến tháng Tám năm 1943 đã hạ mười
hai máy bay địch. Trung úy Lilia Vladimirovna Litviak hai mươi hai tuổi
khi cô cất cánh thực hiện sứ mệnh thứ 168 của mình, và từ đó không trở về.