siling và 6 xu rưỡi thì tôi biết phải nói thế nào đây? Những kẻ thích xúc
xiểm và ưa bịa chuyện (theo thiển ý của tôi) cần phải noi gương Homes
chứ. Những câu chuyện nói xấu sau lưng và những lời phỉ báng này cũng có
tác động đến công chúa Angelica, cô nàng bắt đầu làm mặt lạnh với chàng,
sau đó cười nhạo sự dốt nát của chàng và buông lời trêu chọc chàng vì đánh
bạn với lũ người hạ đẳng. Ở những buổi vũ hội hay những bữa tiệc, nàng
đối xử lạnh nhạt với chàng làm cho chàng ngã bệnh phải nằm lì trên giường
và vua phải phái ngự y đến xem bệnh cho chàng.
Vua Valoroso như chúng ta thấy, có những lí do riêng để không mặn mà gì
với đứa cháu trai; nếu những bạn đọc ngây thơ thắc mắc không hiểu tại sao
thì tôi buộc phải nhắc họ đọc một vở kịch của Shakespeare (dưới sự cho
phép của các bậc cha mẹ thân yêu của họ) các bạn ấy sẽ hiểu tại sao vua
John ghét bỏ hoàng tử Arthur. Còn với hoàng hậu, người thím dâu vương
giả nhưng nhu nhược của chàng thì hễ chàng không có trước mặt bà là y
như rằng bà chẳng thể nào nhớ đến sự có mặt của chàng, còn khi bà đánh
bài uýt hoặc dùng bữa tối thì bà chẳng nhớ ra được chuyện gì khác.
Tôi dám nói rằng có hai kẻ lưu manh mà tôi chẳng muốn nêu tên những
mong muốn quan ngự y Pildrafto giết chết hoàng tử Giglio cho rồi nhưng
ông ta chỉ hàng ngày lấy máu của chàng và làm cho chàng đau ốm thêm đến
nỗi không đủ sức bước ra ngoài phòng trong suốt mấy tháng trời và gầy
tong teo như một cây sào.
Trong những ngày hoàng tử ốm liệt giường có một họa sĩ nổi tiếng tên là
Tomaso Lorenzo đến làm khách trong hoàng cung. Ông này cũng chính là
họa sĩ cung đình của vua Crim Tartary nước liên bang với nước Paflagonia.
Họa sĩ vẽ chân dung cho tất cả mọi người trong triều đình, cả nữ bá tước
Gruffanuff trông cũng trẻ hẳn ra trong tranh của ông còn tể tướng
Glumboso thì lại còn có vẻ hài hước nữa.
“Đôi tay tài hoa của ông ấy tôn vẻ đẹp của chúng ta lên,” ấy là có người nói
thế nhưng công chúa Angelica phán: “Không, ta đứng cao hơn tất cả sự