buồn thay, Beatrice lại cưới một người đàn ông khác, nghĩa là Dante không
những phải sống trong cảnh xa thành Florence yêu dấu của mình, mà còn
phải rời xa cả người phụ nữ ông yêu say đắm. Tình yêu của ông dành cho
Beatrice trở thành chủ đề chính trong Thần khúc.”
“Hay quá”, Sienna nói với giọng điệu cho thấy cô chẳng nhập tâm lấy một
từ. “Nhưng tôi vẫn chưa rõ tại sao cái mặt nạ người chết lại được cất ở cung
điện này?”
Marta nhận thấy việc nhấn đi nhấn lại này của cô gái trẻ vừa lạ thường
vừa gần như bất lịch sự. “Chà”, cô tiếp tục trong khi bước đi, “khi Dante
mất, ông vẫn bị cấm không được về Florence, và xác ông được an táng tại
Ravenna. Nhưng vì người yêu đích thực của ông, Beatrice, được chôn cất ở
Florence và vì Dante yêu Florence đến vậy nên việc mang mặt nạ người chết
của ông đến đây giống như là một lễ vật từ tâm dành cho ông”.
“Tôi hiểu rồi”, Sienna nói. “Thế còn việc chọn tòa cung điện này?”
“Cung điện Vecchio là biểu tượng lâu đời nhất của Florence, và ở thời
Dante, đây là trung tâm của thành phố. Thực tế, có một bức vẽ nổi tiếng
trong thánh đường mô tả Dante đứng bên ngoài tường thành phố, bị trục
xuất, trong khi nhìn rõ ở hậu cảnh là tòa tháp cung điện yêu dấu của ông.
Xét theo nhiều khía cạnh, bằng cách cất mặt nạ người chết của ông ấy ở đây,
chúng ta cảm thấy như cuối cùng Dante cũng được trở về nhà.”
“Hay quá”, Sienna nói, cuối cùng cũng có vẻ thỏa lòng. “Cảm ơn chị!”
Marta đến cửa bảo tàng và gõ ba lần. “Tôi, Marta đây! Chúc một buổi
sáng tốt lành!”
Có tiếng chìa khóa lạch cạch phía trong và cánh cửa mở ra. Một nhân viên
bảo vệ già mỉm cười mỏi mệt với cô ấy và kiểm tra đồng hồ đeo tay của
mình. “Hơi sớm đấy”, ông ấy mỉm cười nói.
Marta vừa giải thích vừa ra hiệu về phía Langdon, và ông bảo vệ lập tức
tươi cười nét mặt. “Chào ngài! Chào mừng trở lại đây!”
“Chào bác!”, Langdon đáp lại rất thân thiện trong khi ông bảo vệ ra hiệu
cho tất cả vào trong.
Họ băng qua một gian phòng nhỏ, nơi ông bảo vệ ngắt hệ thống an ninh
rồi mở cánh cửa thứ hai nặng nề hơn. Khi cửa mở ra, ông ấy bước sang bên,