của con người thông qua lý trí và tư duy logic. Ngược lại, Dionysus là thần
rượu vang, thiên về tình cảm và bản năng.
Langdon từng nghe nói rằng các hội nghị của Hội người cai rượu cũng
viện dẫn thần thoại này để mô tả những người nghiện rượu cứ đăm đăm nhìn
ly rượu, lý trí họ biết rằng thứ đó sẽ làm hại mình, nhưng trái tim họ lại thèm
thuồng cái cảm giác dễ chịu mà nó mang lại. Thông điệp rõ ràng là: Đừng
bao giờ cảm thấy cô độc vì ngay cả thần thánh cũng mâu thuẫn.
“Ai cần đến hành động quyên sinh cao cả?24”, Sienna chợt thì thào.
24 Nguyên văn: ‘Who Needs Agathusia?’.
“Em nói sao cơ?”
Sienna ngước lên. “Cuối cùng em cũng nhớ ra tên bài viết của Zobrist.
Bài viết đó là: ‘Ai cần đến hành động quyên sinh cao cả?’.”
Langdon chưa bao giờ nghe nói đến cụm từ quyên sinh cao cả, nhưng anh
đoán được căn cứ vào gốc từ tiếng Hy Lạp – agathos và thusia. “Quyên sinh
cao cả… chắc là ‘sự hy sinh tốt đẹp’ phải không?”
“Gần như vậy. Nghĩa thực tế của nó là ‘một hành động tự hy sinh vì lợi
ích chung’”, cô ngừng lại. “Nó còn được biết đến như là hành động tự sát
cao cả.”
Thực tế Langdon đã từng nghe nói đến thuật ngữ này, lần thứ nhất liên
quan đến một người cha bị phá sản tự sát để gia đình mình có thể nhận tiền
bảo hiểm sinh mạng, và lần thứ hai mô tả một kẻ giết người hàng loạt cảm
thấy ân hận nên đã tự kết liễu sinh mạng vì sợ rằng hắn không thể kiểm soát
được động lực giết người của mình.
Thế nhưng, ví dụ rùng rợn nhất Langdon còn nhớ là trong cuốn tiểu
thuyết năm 1967 nhan đề Cuộc đào tẩu của Logan, mô tả một xã hội tương
lai trong đó mọi người đều hoan nghênh hành động tự sát ở tuổi hai mươi
mốt – như thế sẽ tận hưởng trọn vẹn tuổi thanh xuân mà không để tuổi già
hoặc số đông dân số tạo áp lực cho các nguồn tài nguyên hữu hạn của hành
tinh. Nếu Langdon nhớ đúng thì phiên bản điện ảnh Cuộc đào tẩu của Logan
đã tăng “tuổi tận số” từ hai mươi mối lên ba mươi, rõ ràng nhằm cố gắng
làm cho bộ phim dễ chấp nhận hơn với nhóm khán giả từ mười tám đến hai
mươi lăm tuổi.