hết cái thủ thuật của chúng. Má tao cứ chửi ổng xa xả về ba cái vụ này... lạ
gì... Hứ, tức quá là tức.
- Rồi giờ gia đình thầy Ngãi sẽ ra làm sao. Làm sao sống ?
- Thầy Hân vẫn âm thầm lo mà. Thầy Hân, mới gặp thầy Tám, hai thầy
bàn bạc lâu lắm. Thầy Tám nghe nói có tin mừng rồi, người em thầy đi
vượt biên đã có tin. Tới Mỹ, nghe đâu đã có thùng đồ gửi về.
Kim Trang vỗ vai từng đứa :
- Thầy Tám hé cho biết, nhưng tốt nhất đừng cho con mụ nhìn thấy cử
chỉ gì nghi ngờ con mụ. Còn sự an toàn của các thầy cô nữa.
Ở đó mà kín. Chỉ một ngày, cả trường đã xôn xao, sững sờ. Không ai nói
gì, nhưng một số thầy cô bắt đầu lo quýnh đến tội nghiệp.
Con Kim Trang, cười khinh :
- Thì ra, cái lớn mạnh nhất trong lòng con người ta, vẫn là cái hèn.
Bạn Ngọc, dò hỏi ông già cũng hoài công. Tiu nghỉu :
- Hỏi ông là ông nạt. Con nít chỉ nên biết học. Ðừng xen vào chuyện
người lớn.
Con Kim Trang, không thấy tận mắt, bắt tận tay, vẫn còn nghi ngờ. Nó
đã dám xông vào khu bát quái trận đồ, tìm ra cái hẻm và những số nhà
suyệc trên suyệc. Nó trông thấy cả bà cụ già mù, thấy cô vợ thầy Ngãi ôm
đứa con, mặt mũi chưa hết thất thần. Thấy chòm xóm còn xôn xao, bàn tán
cái tai họa giáng xuống một gia đình mà họ quí mến. Thấy cả đôi dép đứt
quai, cô kéo lệt bệt khi ra mở cửa cho Kim Trang : "Thầy không có nhà, đi
vắng." Giọng còn ngập ngụa trong sợ hãi và nghi ngờ. Rồi khi Kim Trang
cầm tay cô, giọng xót xa : "Thưa cô, em đã biết, em..." Thì cô nấc lên một
tiếng, nước mắt dàn dụa, rồi bế đứa con đang bò dưới đất lên, ôm thật chặt,
chặt tới nỗi đứa bé khóc thét lên.
- Rồi lúc đó, Kim Trang, mày làm gì ?
- Làm gì nữa. Tao lắp bắp : Thưa cô, thưa cô... Rồi nước mắt nước mũi
tùm lum, cứng họng. Ra được khỏi nhà, là tao cắm đầu chạy. Tao muốn