Thầy Tám, đàn ông lỡ thời. Cả trường đồn vậy. Gần bốn mươi, vẫn độc
thân. Trước, kén chọn quá. Thầy trò, khi vui vẻ, chất vấn về tiết mục này,
mặt thầy vẫn không bớt nghiêm trang :
- Cũng tại cái tật đứng núi này trông núi nọ. Thấy đàn bà con gái, người
nào cũng đẹp như tiên. Lấy người này thì tiếc người kia, thành thử ... Bây
giờ muộn rồi. Thầy còn phải đứng đầu làm gương về ba khoan. Hỏng cái
khoan thứ nhất, sẽ hỏng luôn cái khoan thứ hai, thứ ba ...
Ðó là lời thầy. Học trò, đứa nào cũng đã tới nhà thầy. Căn phố lầu nhỏ,
nằm ngay mặt tiền một khu đông dân cư. Sau ngày người em thầy vượt
biên, chưa có tin, bà mẹ bệnh rồi liệt, nằm một chỗ. Một ông anh của thầy,
trên bốn mươi, bị bệnh thần kinh, câm điếc. Cô em gái, chồng học tập cải
tạo, vừa mới chết, dồn cho thầy ba đứa cháu nhỏ. Không hiểu sao, thời gian
gần đây, bà cụ sợ ánh sáng, nhà thầy giăng đầy màn xanh màn đỏ. Cô hiệu
trưởng, cũng có lúc đã mỉa mai thầy Tám. Hẳn thầy Tám phải có nguồn tài
trợ nào, chứ nhà một tá người ngồi không, nhà cửa như vậy, sống bằng cách
nào với đồng lương nhà giáo.
Hình như chính cô hiệu trưởng cũng phải công nhận ngầm thầy Tám có
giỏi. Trong trường, chưa bao giờ thầy kò kè hơn thua với ai một món nhu
yếu phẩm. Những đợt lễ lượt được mua thịt heo. Heo đem về trường
nguyên con. Các cô xúm lại, chặt chia. Ðã có màn cãi nhau, y như ở hội trí
thức của thành phố. Phần này nhiều nạc, phần này xương không. Sao phần
này đùi trên, mà phần này chỉ có móng heo ? Phải phân xử, hòa hợp hòa
giải, họp hội đồng nhà trường. Chỉ còn thiếu điều dắt nhau ra Công An
khiếu nại.
Ðến phần thầy Tám. Lúc nào cũng chịu phần thiệt, thầy trịnh trọng nhận
phần thịt, lôi túi ni lông ra bọc kỹ. Xong còn bỏ vào trong cái túi vải cho
chắc ăn. Nếu còn giờ dạy, túi thịt luôn luôn đặt trên bàn, ngay trước mặt
thầy. Thầy nói phải để riêng. Cái bị lác, phần đựng sách vở, món ăn tinh
thần của con người. Thịt heo là món ăn vật chất, để chung vào là coi rẻ
món ăn tinh thần.