- Xin nỗi. Nỡ té người ta chết, còn xin nỗi được không ?
- Ðâu có té, bác Cai. Bác đừng làm khó nữa. Bác không sợ tụi cháu tẩy
chay thùng cà rem của bác sao. Căng tin sắp có kem pho-rờ-mốt ngon ơi là
ngon.
Bác Cai, chẳng ai biết tên thật là gì. Bác làm cai trường lâu lắm rồi, hình
như từ đời cha, tới đời con. Cách mạng vào, giải phóng nghề cai trường,
nghề gát dan. Không thể đuổi một ông cụ già bảy mươi tuổi ra đường, nhà
trường đành để cho bác Cai ở lại coi trường, không ăn lương. Những ngày
đầu, bác còn giữ xe đạp, kiếm tiền sống qua ngày, làm công việc giữ
trường, khóa cổng, canh cổng. Nhưng rồi bãi đậu xe đã có vợ con cán bộ,
công an giành nhau phân chia. Bác Cai chỉ còn phụ coi xe, coi cổng. Cũng
may, một học trò nhỏ cho bác cái thùng bán cà rem của cậu ta trước khi
theo già đình xuống tàu bán chính thức. Bác thêm nghề mới, bán cà rem
cây cho học sinh. Nghề này cũng sắp bị cạnh tranh rồi. Mấy thầy cô thầu
căng tin trong trường, ăn chia với trường, đang định góp nhau mua một tủ
kem. Bác Cai thách thức :
- Muốn khóa cái miệng của tui nuôn đó. Nàm sao mà khóa khi ông Trời
chưa khóa. Cứ mua tủ kem đi, điện ba hồi cúp, ba hồi có, kem nó hóa ra nà
nước hết, bán gì.
Nói cho ngay, bác Cai cũng nể nhóm Ngũ Long nữa. Nhóm thương bác,
ủng hộ hết mình thùng cà lem của bác đó chớ. Thấy bọn nhỏ năn nỉ, rồi dọa
nữa, bác Cai bớt căng :
- Nàm khó gì đâu. Có điều mấy cô đi đứng cũng có con mắt đằng trước
đằng sau. Người ta cười cho, con gái rì mà chưa nói đã cười . Lúc nào cũng
thấy mấy cô nà cười ... Đưa giấy xe, lão tìm cho .
Lên xe đạp cái vèo rồi, Phượng Hồng mới phang cho Kim Trang một câu
:
- Mày cũng dai như đĩa, chớ nói gì bác Cai . Mai mốt tao đem theo vôi,
lúc nào mày thích bám, tao bôi vôi vào mồm mày .
- Con nhỏ độc địa . Mày cần gì vôi . Cái miệng mày cũng là một lò vôi
rồi .