Sơn Trà thắc mắc :
- Mụ vợ chú công an thầu bãi xe, lúc nào cũng bế đứa con theo, dang
nắng dang mưa thằng nhỏ . Coi tội quá .
- Ô, kịch cả đó mày ơi . Xời, tao lạ gì mấy cái màn đó . Tranh được một
chỗ giữ xe vất vả lắm . Phải xét duyệt cả năm bảy cấp trên . Coi thành tích,
coi lý lịch, hoàn cảnh . Mụ bế nhi đồng để chứng minh hoàn cảnh, dành
ngon ơ một khu vực trường, chẳng phải chia chác cho ai .
Hôm nay ngũ long thiếu một . Bớt vui . Bà hàng chè chợ Tân Định chắc
có dấu hỏi . Mấy hàng cây dọc đường chắc có ngạc nhiên . Cắm cúi đạp,
đứa trước, đứa sau, nghiêm chỉnh . Phố xa có đông hơn thật rồi . Tết đã kề
bên đấy thôi, vậy mà mặt mũi ai ai cũng có vẻ tất bật, bơ phờ . Nhưng mấy
chú nhỏ đi lêu bêu trên lề đường vẫn nghịch . Thỉnh thoảng có tiếng nổ
giữa lề đường . Một cái pháo chuột làm khách đi đường giật mình, chửi ầm
ĩ : Con cái nhà ai mà mất dạy, vô học . Lũ trẻ cười ré lên, nhảy nhảy, mừng
cái điều mất dạy, vô học . Cũng đúng vậy thôi, lớp trẻ bụi đời, ngày càng
đông hơn số đi học .
Huyền nhớ . Trong đám bụi đời, lang thang ngoài đường, cũng có một số
bạn học năm đầu của giải phóng . Thời kỳ ăn độn khoai lang thúi, bo bo,
bột mì mốc, quá đát của Liên Sô đã qua được, nhưng có một số học sinh, bị
gạt luôn ra khỏi ngưỡng cửa nhà trường . Bán đậu phụng, bánh cam, bán
báo . Báo chí có bao nhiêu đâu, cầm tờ báo trong tay rao cho có việc . Cũng
có ngoại quốc đi lại trên đường phố chính, nhưng toàn xã hội chủ nghĩa .
- Ôi dào . Tây đầm gì lũ đó . Tây đui, tui đây . Kiết lõ đít .
Một lần, bọn Huyền gặp Tuyên, ôm rổ đậu phụng chạy roa bán lơ ngơ
trên đường phố, nó đã cằn nhằn vậy .
Tội nghiệp Tuyên . Cậu học trò hiền lành, nhút nhát, học giỏi như thế,
mà vất ra lề đường có bao lâu đâu, đã biết chửi thề đủ kiểu . Tuyên rồi
Hưng . Rồi Mai Quế . Họ đi đâu hết ? Mai Quế còn tội nghiệp hơn, có dạo
nghe bạn bè trong lớp kể, gặp Mai Quế cắp cái rổ bán hành ngò, chanh ớt ở
trong lồng chợ Tân Định . Ban quản lý rượt bắt, đổ rổ đồ nghề của Mai Quế
xuống cống . Con bé vừa chửi rủa, vừa xông vào cào cấu . Sau đó, cũng