- Thôi, Phượng Hồng cũng thông cảm. Mai mốt có ông về, bà bó chân.
- Còn khuya. Có ổng, bả còn đi tợn. Mạnh ổng, ổng đi. Mạnh bả, bả đi.
May mà còn có hai anh em...
- Nước sôi kìa. Phượng Hồng. Mì đâu?
Nhạc mở lớn hơn. Những gói mì Nhựt thứ thiệt, thơm phức. Khó khăn
vất vả đâu chả biết, trong căn nhà tiện nghi này, mọi thứ đều êm ấm, no đủ.
Kể cũng lạ thật. Phượng Hồng vậy, anh Tuấn vậy, bà má vậy, nhà cửa
vậy, làm sao lại có ông ta ở đây được. Huyền đã tự hỏi, ngay lần đầu tiên
thấy ông bố cách mạng của bạn. Với cái túi ‘xà cột' kiểu Bắc, đôi dép nhựa,
nón cối, quần rêu, sơ mi trắng bỏ ngoài, ông ta như được bó kín trong cái
vỏ cứng ngắc, khô khan độc địa.
Phượng Hồng kể, hồi đầu, ngứa mắt với cái quần jean của anh Tuấn, ông
ta phát biểu :
- Dẹp cái quần bò càn quấy của mày đi. Thời điểm cách mạng rồi. Tao
lộn ruột với mấy thằng ngụy còn đội cái mũ rằn ri trên đầu đi làm rẫy. Thứ
tàn dư rác rưởi ấy, tao không muốn thấy nữa.
Anh Tuấn tức thì phang lại :
- Bố ơi. Vậy, bố kiến nghị nhà nước đập bỏ dùm mấy cái bin đinh, xe hơi
đi. Toàn tàn dư hôi thối của đế quốc không hà. Cái quần bò, cái nóng rằn tí
ti thì chướng mắt, sao nhà to xe đẹp lại ôm chặt.
Cứ giọng điệu ấy, có lần sau cảnh ông bà già giáp chiến, anh Tuấn đã
lãnh đủ mấy cái bạt tai của ông bố. Chả là anh ấy đứng về phe bà má mà.
Phượng Hồng sót anh, cãi : Cách mạng nói không được đánh con cái, sao
bố đánh anh ? Anh tỉnh khô, cười : Ðây là làm chứ đâu phải nói. Nói khác.
Làm khác. Việc gì em phải khóc.
Phượng Hồng kể thêm : Lúc khuya, mình thấy anh ngồi một mình ngoài
hiên nhà. Ảnh khóc.
Chỉ nghe kể thôi, Huyền cũng đã muốn rớm nước mắt.
- Ê. Coi con Huyền. Đúng là mơ huyền mờ. Mặt với mũi. Coi chừng,
nước sôi.