- Hơ. Làm gì có xe. Tắc xi đây là ghe nhỏ, chạy được vô chỗ cạn, chở
người ra tầu lớn. Dạ phải chở nhiều chuyến. Vậy mới kêu bằng tắc xi chớ.
Chị Thúy với anh Tâm lên tắc xi rồi, tới phiên cháu, hết chỗ. Năn nỉ hoài.
Với lại, cái chú đưa tắc xi là người nhà ông bác của cháu, nên yên tâm đi
trước. Vậy là cháu đợi, đợi riết, không biết bao lâu nữa. Bị bỏ một mình
trong chòi, nghe con cóc con nhái nó kêu, cháu cũng hết vía. Lâu lắm họ
mới trở lại, biểu cháu đi theo. Xuống ghe nhỏ rồi, cháu mới hú hồn. Nhưng
cái ghe nhỏ xíu, cháu xoay trở đâu cũng đụng người. Mà có thấy gì đâu,
cháu như người bị bịt mắt, bảo sao làm vậy. Người kéo cháu lên ghe, cháu
nhận ra đúng giọng chú lái lúc nãy nên hỏi : "Anh chị tôi ra tới chưa." "Im
đừng nói." Ghe đi lâu lắm. Chừng cháu đoán chắc cũng sắp cặp tàu lớn thì
bỗng chóc chóc. Mấy loạt súng nổ, đạn như bay ngang qua đầu. Vậy là
quăng chèo, ghe nổ máy dọt. Ðạn bắn theo rào rào. Cháu nằm bẹp dí ở
dưới, chồng lên ít nhất bốn năm mạng. Muốn chết ngạt luôn. Có bà còn
bĩnh ra quần xông nồng nặc mà ai cũng im re chịu trận.
- Cái thằng, có tài kể chuyện như tiểu thuyết.
- Nhưng chắc gì mấy chiếc trước lên được. Lỡ cũng bị rượt bắt...
- Ðâu có, bác. Ðưa xong chuyến anh Tâm chị Thúy. Vào rước thêm
chuyến cháu mới bị lộ. Bác cháu về sau nói, đừng tiếc tiền tắc xi, ra một lần
thì qua được chuyến tuần tra đó rồi. Bị thuê nhiều "cá bé", tụi nó cũng
mánh lắm, tụi nó luôn "canh me" đưa thêm người. Vì chuyện "canh me" có
chuyến cá lớn chở đầy quá, chìm luôn. Cá bé cá lớn là tiếng lóng của địa
phương chỉ ghe nhỏ và tàu lớn, đó bác. Nhà ông bác cháu, trong chuyến
này đưa gia đình anh Hai, anh chị với bảy đứa con, đi hết trơn. Bác cháu,
nhận mật mã, chung tiền xong hết.
Chị Xuân, nãy giờ nghiêm trang, nở nụ cười :
- Cứ coi như năm chục phần trăm đi, bác. Bác cầu nguyện cho con Thúy,
con cũng cầu nguyện nữa. Mai mốt, bác cháu mình ăn mừng.
- Bác không biết nữa. Thì cũng hy vọng.
Nhưng nhìn nét ủ ê của mẹ. Huyền biết mẹ không hy vọng bao nhiêu. Bà
đứng dậy, mắt ngơ ngác. Huyền đỡ mẹ :