trên mép một bức họa của Sisley. Trận lụt tại Port-Marly, tấm bìa dưới bức
họa ghi. Đúng lúc Sylvio tự hỏi phải chăng Guillotin đã quên câu hỏi của
anh, viên quản lý bảo tàng quay lại. Ông ta dùng một góc khăn chấm lên
trán và ngân nga bằng giọng thuyết giáo:
“Những bức họa của Monet đã mất tích, hoặc chưa được biết đến, nhưng
có khả năng xuất hiện trở lại, đó là điều anh hỏi tôi phải không thanh tra?
Nếu anh muốn biết, thì nào, tôi có thể chơi trò đặt giả thiết với anh…”
Chiếc mùi soa thấm mồ hôi hai bên thái dương.
“Ta biết rằng khu xưởng vẽ của Claude Monet, tại Giverny chứa đựng
hàng chục bức họa, trong số đó có các bức kí họa, bức tranh thời trẻ, các
bức hoa súng khổ rộng chưa hoàn thành… Chưa kể món quà của những
người bạn, Cézanne, Renoir, Pissaro, Boudin, Manet, hơn ba mươi bức…
Anh có nhận thấy không? Toàn bộ gia tài này, gia tài khổng lồ này, đáng
giá hơn bộ sưu tập của bất kỳ bảo tàng nào trên thế giới, toàn bộ được một
ông già tám mươi và người làm vườn của ông gìn giữ, chỉ được bảo vệ
bằng một cái cửa hầu như không đóng, mấy khuôn cửa trập bằng kính,
những bức tường nứt. Bất cứ ai cũng đã có thể lợi dụng. Bất cứ người dân
Giverny nào chỉ cần ma lanh một chút có lẽ đã kiếm được nhiều tiền chỉ
bằng trò ăn cắp vặt hơn là đi cướp hai mươi ngân hàng…”
Chiếc khăn mùi soa lau lần cuối gương mặt ông ta và cuối cùng được vo
tròn trong lòng bàn tay.
“Một gia tài như vậy ngay trong tầm tay, tôi không thấy có ví dụ nào về
một thứ cám dỗ hơn thế…”
Sylvio bắt đầu hiểu. Anh quan sát hàng chục bức họa trên tường xung
quanh mình. Bảo tàng Rouen, nơi người ta ca ngợi có bộ sưu tập các tác
phẩm ấn tượng đẹp nhất của tỉnh, không có nổi số tranh bằng một phần tư
số tranh trong khu xưởng vẽ của Monet. Anh nhấn mạnh:
“Liệu có còn các bức họa của những bậc thầy khác trong xưởng vẽ của
Monet tại Giverny không?”
Achille Guillotin lưỡng lự một chút trước khi trả lời:
“Claude Monet mất năm 1926. Michel Monet, con trai và người thừa kế,
dĩ nhiên đã cất công tìm kiếm và cất giấu tất cả những bức họa mà bố anh