Nhưng tôi đồ rằng một điều bí hiểm như vậy sẽ chẳng mấy khi được quý
vị quan tâm… Hàng chục khách tham quan đang ngồi ngay phía trước, trên
những chiếc ghế dựa bằng sắt màu xanh lục, dưới tán ô màu cam, đang tìm
kiếm cùng một cảm xúc như hàng loạt họa sĩ người Mỹ từng đổ xô đến
khách sạn này, cách đây hơn một thế kỷ. Khi nghĩ tới điều đó ta thấy cũng
thật lạ. Những họa sĩ người Mỹ này, vào thế kỷ trước, đã tới đây, trong ngôi
làng bé xíu của vùng Normandie để tìm kiếm sự tĩnh lặng và tập trung. Tất
cả hoàn toàn trái ngược với Giverny ngày nay.
Tôi ngồi xuống một bàn trống và gọi một tách cà phê đen. Cô hầu bàn
mới đã mang tách cà phê đến cho tôi, đó là một nhân viên thời vụ. Cô bé
mặc đồ ngắn kèm áo gi lê hoạt tiết ấn tượng, với những bông hoa súng màu
tím sau lưng.
Mặc áo có in hình hoa súng tím sau lưng, điều đó thật kỳ quặc, không
phải vậy sao?
Tôi đã nhìn thấy ngôi làng này biến đổi nhiều năm nay, đôi khi tôi có
cảm tưởng như Giverny đã trở thành một công viên giải trí. Một công viên
ấn tượng thì đúng hơn. Họ đã nghĩ ra khái niệm đó, tôi tin vậy! Tôi ở đó để
thở dài như một bà già xấu tính đang càu nhàu một mình và chẳng còn hiểu
cái gì ra cái gì nữa. Tôi quan sát kỹ từng người một trong đám đông hỗn tạp
xung quanh. Một đôi tình nhân đang cùng giở đọc cuốn sổ tay du lịch màu
xanh lá. Ba cậu bé chưa đầy năm tuổi đang cãi nhau ầm ĩ trên lối đi rải sỏi
và bố mẹ lũ trẻ hẳn sẽ nghĩ mọi thứ thoải mái hơn nếu chúng đang ở bể bơi
chứ không phải đang ở cạnh một cái ao đầy ếch nhái kêu. Một bà người Mỹ
ủ rũ đang gọi cà phế kiểu Liège, Bỉ, trong một quán Pháp theo phong cách
Hollywood.
Họ đang ở đó.
Hai người đều đã ngồi vào bàn, cách tôi ba bàn. Mười lăm mét. Tôi nhận
ra họ, đương nhiên rồi. Tôi đã trông thấy họ từ cửa sổ của tháp xay bột, sau
những tấm rèm. Viên thanh tra, người đã lội dưới sông bên cạnh xác chết
Jérôme Morval và viên cấp phó nhút nhát của anh ta.
Rõ ràng họ đang nhìn về hướng khác, về phía cô bé phục vụ nhỏ nhắn.
Không phải là về phía con chuột nhắt đen già nua.