Patricia đã sa thải cô ấy sau hai tháng. Từ đó, cô ấy chuyển lên Paris, sống
cùng một người đưa thư. Cô ấy có hai con, ba và năm tuổi. Tóm lại, sếp
thấy đấy, không có gì để tình nghi cả, hướng điều tra này lại là ngõ cụt
tiếp!”
Sérénac chăm chú nhìn viên cấp phó bằng ánh mắt ủ ê:
“Ngõ cụt. Đồng ý, vậy…”
“Ngoại trừ,” Bénavides cắt ngang, càng lúc càng phấn khích hơn, “tôi
cũng đến cơ quan lưu trữ của tỉnh, đã mất kha khá thời gian ở đó… Và tôi
đã phát hiện ra những bản in của tờ Républicain de Vernon đến tận năm
1937. Những tờ báo này đề cập đến cái chết của cậu bé Albert Rosalba. Có
cả một cuộc phỏng vấn người mẹ của cậu bé đã chết. Louise Rosalba. Bà ta
đã không tin đó là tai nạn. Bà ta…”
Sérénac cao giọng:
“Cậu không hiểu ý tôi, Sylvio. Bỏ vụ này đi! Cái đó không liên quan gì
cả, cuộc điều tra của chúng ta, tất cả những điều hoang tưởng xung quanh
các bức tranh hoa súng, bị lãng quên hay cất giấu trong nhiều nhà kho của
Giverny, tai nạn của một đứa trẻ trước chiến tranh thế giới! Những ông
chồng bị cắm sừng… Ta đang chết chìm trong sự lố bịch!”
Rốt cuộc Bénavides bỏ cây bút đang viết ra.
“Tôi xin lỗi, nhưng chính tôi mới là người không hiểu gì nữa, sếp à.
Chính xác là sếp muốn nói gì, ‘bỏ vụ này đi’ là sao?”
Chỉ bằng cái khoát tay, Sérénac làm bay tung tóe đống giấy đang trải trên
bàn và ngồi xuống chỗ của chúng.
“Tôi sẽ nói với cậu bằng cách khác, Sylvio… Cậu đã đúng. Từ đầu chí
cuối. Lẫn lộn việc điều tra tội phạm và tình cảm cá nhân trong câu chuyện
này là điều tệ nhất trong những chuyện điên rồ… Tôi đã hiểu ra điều đó hơi
muộn, nhưng tôi đã hiểu được điều đó…”
“Sếp nói về Stéphanie Dupain?”
“Nếu cậu muốn…”
Sylvio Bénavides cười vẻ thấu hiểu và nhẫn nại nhặt tất cả đống giấy tờ
tung tóe.
“Jacques Dupain không còn là kẻ thù số một của công chúng nữa sao?”