Paul của tôi, Albert Rosalba của tôi, được chôn cất. Tôi đã suy sụp hoàn
toàn. Trời vẫn cứ mưa, vào năm 1963, khi Jérôme Morval được chôn cất.
Cả làng đều có mặt ở đó, kể cả giám mục của Evreux, dàn đồng ca, những
nhà báo và ngay cả Laurenç. Hàng trăm người! Số phận kỳ lạ. Cách đây
một tuần, tôi chỉ có một mình trong lễ tang của Jacques.
Tôi đã lấp đầy nghĩa trang bằng những kỷ niệm của mình. Những kỷ
niệm đẫm nước mưa.
“Lại đây nào, Neptune!”
Rẽ phải lần cuối. Tôi đi xuống phố Dîme, đi thẳng về phía đường Roy.
Nó kết thúc ngay trước nhà xay bột. Tôi đợi một lúc lâu trước khi băng qua
đường: dòng xe ô tô đang rời khỏi Giverny bằng con đường tỉnh lộ hầu như
không ngừng nghỉ. Neptune nhẫn nại đi bên cạnh tôi. Một chiếc xe mui trần
màu đỏ, với biển đăng ký trông khá phức tạp, tay lái bên trái, cuối cùng
cũng để tôi đi qua.
Tôi đi qua cầu. Dù không muốn nhưng tôi vẫn dừng lại ngay bên trên
con sông: nhìn kỹ từng viên gạch và ngói màu hồng của khu giặt lần cuối,
màu sơn xanh lục ánh kim loại của cây cầu, mấy bức tường của sân nhà xay
bột, phía bên phải tôi, nơi có thể trông thấy tầng cao nhất của tòa tháp và
ngọn cây anh đào. Khu giặt từ nhiều tuần nay bị vẽ đầy những gương mặt
nhăn nhó cả da đen và da trắng. Chưa từng có ai lau chùi mấy viên gạch đó.
Có lẽ do sao nhãng, có lẽ không… Sau tất cả mọi chuyện, nếu có một nơi
mà ở đó việc dùng các sản phẩm tẩy rửa mạnh như Kärcher để tống cổ
những cuộc biểu tình nổi loạn của cánh nghệ sĩ vô danh khó nhất, đó chính
là Giverny. Quý vị không nghĩ vậy sao?
Làn nước trong dưới sông chảy qua, như thể nó chế nhạo sự huyên náo
của những người trên bờ. Những thầy tu ngày xưa từng đào nơi này bằng
tay, ông họa sĩ cuồng tưởng đã nắn dòng sông để tạo ra một cái ao và ẩn dật
ở đó ba mươi năm chỉ để vẽ mấy bông hoa súng, cái kẻ điên khùng đã giết
tất cả những người đàn ông lại gần tôi tại nơi đây, tất cả những người đàn
ông mà tôi đã từng yêu mến.
Giờ thì điều đó có thể khiến ai quan tâm? Kêu than với ai đây? Liệu có
một nơi chứa những cuộc đời đã bị mất không?