‘Và cũng có thể là do cách mà anh đã dừng lại để vuốt ve Neptune…’
Tôi lại nghiêng người trên bậu cửa sổ. Giọng nói vọng lên dọc chiều cao
căn tháp. Giọng nói ấy không thay đổi, quá ít thay đổi, dù đã gần năm mươi
năm:
“Neptune… Anh bạn béo ú của tôi, làm sao tôi lại nghĩ là gặp cậu ở đây,
sau chừng ấy thời gian… Còn sống thế này!”
Tôi quay vào phòng, áp sát vào tường. Tim tôi đập thình thịch, ngắt
quãng. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, cố suy nghĩ.
Vĩnh biệt, mãi mãi.
Tôi chưa từng gặp lại Laurenç Sérénac. Thanh tra Laurenç Sérénac là
một cảnh sát giỏi, rất giỏi. Vài tháng sau vụ Morval, cuối năm 1963, tôi
được biết qua Sylvio Bénavides là Laurenç xin được chuyển công tác tới
Québec, như thể anh đã phải trốn sang bên kia thế giới. Trốn khỏi tôi, tôi đã
tưởng vậy. Thực ra là trốn khỏi cơn điên cuồng giết chóc của Jacques.
Chính ở Canada mà trong suốt bao năm qua mọi người có thói quen gọi anh
bằng biệt danh Laurentin. Ở Québec, đó là cách người ta gọi tên người dân
của thung lũng Saint-Laurent, từ Montréal đến Ottawa. Các đồng nghiệp
của anh thấy rất thích thú trong việc đổi tên anh từ Laurenç của miền Nam
nước Pháp thành một Laurentin mang tính chất Québec. Tôi được biết qua
báo chí trong nước là anh đã quay lại đảm nhiệm chức cảnh sát trưởng
Vernon, sau khi điều tra vụ đánh cắp tranh của Monet ở bảo tàng
Marmottan vào năm 1985. Vào thời đó, một vài bức ảnh của anh đã xuất
hiện trên báo. Làm sao có thể không nhận ra anh chứ? Laurenç Sérénac, đã
trở thành cảnh sát trưởng Laurentin với tất cả mọi người. Amadou Kandy
thậm chí đã nói với tôi rằng họ không bao giờ tháo tranh trong phòng làm
việc của anh, ở đồn cảnh sát Vernon, hai mươi năm sau khi anh về hưu, bức
Arlequin của Cézanne, bức Người đàn bà tóc đỏ của Toulouse-Lautrec…
Tôi run lên như một chiếc lá. Tôi không dám quay lại cửa sổ…
Laurenç làm gì ở đây?
Thật kỳ cục…
Tôi phải sắp xếp những suy nghĩ trong đầu lại. Tôi quay cuồng trong căn
phòng.