“Nó là con chó của cháu à, Fanette?” James hỏi.
“Không, không hẳn vậy… Cháu nghĩ nó gần như thuộc về tất cả mọi
người trong làng, nhưng cháu đã thu nhận nó. Vì nó yêu quý cháu nhất.”
James mỉm cười. Ông đã ngồi xuống một chiếc ghế đẩu trước những
khung tranh, nhưng mỗi khi Fanette nhìn ông, thì đều bắt gặp ông chúi mũi
vào trước tấm toan của cô bé. Chòm râu ông sớm muộn gì cũng sẽ biến
thành cái cầu vồng. Cô bé đợi đúng thời điểm để bật cười…
Không, không, mình phải tập trung.
Fanette tiếp tục công cuộc vẽ nhà xay bột Chennevières. Cô bé tiếp tục
uốn cong hình dạng của toà tháp nhỏ thành một cái nhà gỗ, khiến vẻ tương
phản càng tăng lên, màu đất son, mái ngói, đá. Nhà xay bột, James gọi nó
là ‘cối xay của mụ phù thủy’. Vì bà lão sống trong đó.
Một mụ phù thủy…
Đôi khi, ông James thực sự coi mình như một cô bé.
Ngoại trừ việc Fanette quả thực cũng có chút sợ hãi. Ông James đã giải
thích cho cô bé tại sao ông không thích ngôi nhà này lắm. Ông nói do nhà
xay bột này mà bức tranh hoa súng của Monet suýt nữa đã không bao giờ ra
đời. Nhà xay bột và khu vườn của Monet được xây dựng trên cùng một
dòng sông. Monet đã muốn làm một con đập, lắp đặt van, đổi hướng dòng
chảy để tạo ra chiếc ao riêng! Trong làng không ai đồng ý vì sợ bệnh tật,
những đầm lầy, tất cả. Đặc biệt là những người hàng xóm. Nhất là những
người ở khu nhà xay bột. Việc đó đã tạo ra một đống rắc rối, Monet rất bực
mình, ông phải chi rất nhiều tiền, rồi viết cho tỉnh trưởng, cho một gã mà
cô bé cũng không biết rõ, một người bạn thân của Monet, Clemenceau, tên
ông ta là vậy. Và cuối cùng Monet đã có nó, một ao hoa súng của riêng
mình.
Điều đã tiếc đáng lẽ đã xảy ra!
Nhưng ông James không thích nhà xay bột vì câu chuyện đó thì cũng thật
ngớ ngẩn. Vụ tranh chấp liên quan đến con đập giữa Monet và những
người hàng xóm đã xảy ra lâu lắm rồi.
Đôi khi ông James này cũng ngốc nghếch thật.
Cô bé rùng mình.