Chiếc xe hơi to lớn màu hoàng yến của dì Clara chạy đến gần nhà. Chúng
tôi lao vào nhà, chạy tản vào các buồng của mình hệt như có trận gió cuốn
đi.
Chúng tôi nghe thấy tiếng người lớn la hét và cãi cọ nhau, la hét và cãi cọ
mãi. “Để cho bọn trẻ về sống với tôi!” – Dì Clara to tiếng. “Không đời nào!
Chúng nó còn đang muốn chết đấy!…” – Cha đáp lời dì Giara.
Tiếng cửa sập đóng mạnh. Dì Clara bỏ về.
Chúng tôi vui mừng tưởng muốn nhảy điên cuồng, nhưng kịp thời nhớ lại
chuyện buồn, và khẽ khàng đi xuống nhà.
Cha ngồi lẩm bẩm một mình, dường như đang nói chuyện với bóng màu
xám của mẹ vào thời mẹ còn khoẻ mạnh và sống bên chúng tôi. Cha tôi thẫn
thờ, mắt nhìn đôi bàn tay trống rỗng:
— Em hiểu không! Ann, lũ trẻ cần có một ai đó… Anh yêu chúng, có
Chúa chứng giám, nhưng anh cần phải làm việc để nuôi sống mọi người
chúng ta. Và em cũng yêu chúng, anh biết lắm Ann ạ, nhưng sao em không
còn bên cha con anh. Còn Clara thì sao?… Không, không thể thế được. Tình
yêu của dì ấy… hành hạ, giày vò. Còn vú nuôi hay người hầu thì…
Cha thở dài cay đắng, và chúng tôi cũng đồng cảm, thở dài theo.
Đúng là trong chuyện vú nuôi, bảo mẫu hay thậm chí người làm thuê, ở
nhà tôi thật không được hay ho gì. Chúng tôi nhớ là trong nhà đã từng có
những người giúp việc, người nào cũng cau có, gắt bẳn, không rượu thì chè.
Sự xuất hiện của họ trong nhà chúng tôi có thể so sánh với những thiên tai,
cuồng phong hay bão táp, với chiếc rìu lớn, bất ngờ dội xuống đầu những
con người vô tội chúng tôi. Tất nhiên là họ chẳng thích hợp được ở đâu, như
chúng tôi vẫn nghe người ta ví: dở ông, dở thằng, chẳng ra cháo, cũng chẳng
ra cơm. Đối với họ, chúng tôi là một thứ gì đó gần giống như đồ gỗ, có thể
không cần phải hỏi cũng cứ ngồi lên được. Cái thứ cần cọ sạch, phủi bụi,
xuân thu nhị kỳ phải thay vải bọc, và mỗi năm một lần đưa ra bờ biển để
làm tổng vệ sinh.
— Các con ạ, chúng ta cần có… – Bỗng nhiên cha khẽ nói.