“Sao ông biết?”.
“Cậu đã lang thang giữa vô vàn nỗi đau của người Palestine trong một
thời gian dài. Đó là điều tự nhiên thôi”.
Anh hỏi Shamron cùng câu hỏi đã đặt ra cho Eli Lavon một tuần trước
đó ở Megiddo. Có phải chính chúng ta đã đuổi họ đi?
“Tất nhiên rồi”, Shamron đáp, sau đó vội vã thêm vào. “Ở một vài nơi,
trong những hoàn cảnh đặc biệt. Và nếu cậu hỏi tôi, lẽ ra chúng ta phải đuổi
họ đi nhiều hơn nữa, xa hơn nữa. Chúng ta đã sai lầm vì không làm như
thế”.
“Ông đang đùa hả, Ari?”.
“Để tôi giải thích”, Shamron nói. “Lịch sử vốn không đứng về phía
chúng ta. Năm 1947, Liên Hợp Quốc quyết định trao cho chúng ta một
mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo để thành lập nhà nước mới. Cậu nên nhớ rằng,
bốn phần năm đất đai của Palestine đã được cắt ra để thành lập nhà nước
Gioócđan. Đó là tám mươi phần trăm! Trong hai mươi phần trăm còn lại,
Liên Hợp Quốc chia cho chúng ta một nửa – chỉ mười phần trăm của đất
Palestine, bao gồm thảo nguyên Coastal và sa mạc Negev. Nhưng người
Arập vẫn nói không. Hãy tưởng tượng nếu bọn họ đồng ý, khi uỷ ban Peel
đề nghị việc phân chia đất đai vào năm 1937. Bao nhiêu triệu người có thể
đã được cứu sống? Ông bà của cậu có thể vẫn còn sống. Cha mẹ và các chị
em gái của tôi có thể vẫn còn sống. Nhưng người Arập đã làm gì? Họ nói
không, và mừng thầm cuộc diệt vong của chúng ta khi Hitler ra tay”.
“Nhưng liệu điều đó có thể biện hộ cho việc trục xuất họ không?”.
“Không, và đó không phải là nguyên nhân hành động của chúng ta. Việc
họ bị trục xuất là hậu quả của chiến tranh, một cuộc chiến do chính họ khơi
mào. Mảnh đất Liên Hợp Quốc trao cho chúng ta có năm trăm ngàn người
Do Thái và bốn trăm ngàn người Arập. Những người cực đoan lôi kéo
những ngừơi khác mang tâm trạng thù địch, và thề sẽ tiêu diệt chúng ta.
Chúng ta biết rằng giây phút chúng ta tuyên bố độc lập cũng là lúc chúng ta
trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công của quân đội liên quân Arập.