“Nếu vậy sẽ lại có nhiều người tị nạn hơn”.
“Đúng, nhưng nếu họ đã hết hy vọng để trở về, đáng lẽ họ nên tìm cách
hòa nhập với người Gioócđan và Libăng, thay vì tự nguyện trở thanh một
công cụ tuyên truyền chóng chúng ta. Tại sao cha của Fellah al-Tamari vẫn
còn ở trại tị nạn Ein al-Hilweh sau ngần ấy năm? Tại sao không một nước
Arập có cùng ngôn ngữ, văn hóa, và tôn giáo nào với ông ta chịu chứa chấp
ông ta? Bởi vì họ muốn sử dụng ông ta như một công cụ để đặt dấu hỏi về
quyền tồn tại của tôi. Tôi ở đây. Tôi sống, tôi thở. Tôi tồn tại. Tôi không cần
sự cho phép của bất cứ ai để tồn tại. Tôi chẳng cần ai chấp thuận điều đó.
Và cố nhiên là tôi chẳng còn nơi nào khác để đi”. Ông nhìn Gabriel. “Tôi
chỉ cần cậu trông nom nó cho tôi. Mắt của tôi không còn được tinh nhạy
như xưa nữa rồi”.
Những ngọn đèn của chiếc tàu đánh cá đã biến mất vào khu cảng
Tiberias. Shamron đột nhiên trông có vẻ kiệt sức. “Sẽ chẳng bao giờ có hòa
bình trên mảnh đất này, nhưng suy cho cùng, tự ngàn xưa nó đã chẳng bao
giờ được bình yên. Kể từ khi chúng ta từ Ai Cập và Mesopotamia chạy đến
mảnh đất này, chúng ta đã phải chiến đấu. Chống lại người Canaan, người
Assyria, người Philistine, người La Mã, rồi người Amalek. Chúng ta tự lừa
dối mình khi tin rằng kẻ thù đã từ bỏ giấc mơ tiêu diệt chúng ta. Chúng ta
cầu nguyện cho những điều không thể có được. Hòa bình mà không cần
công lý, tha thứ mà không cần bồi hoàn”. Ông nhìn Gabriel bằng ánh mắt
khiêu khích. “Yêu mà không cần hy sinh”.
Gabriel đứng dậy và chuẩn bị ra về.
“Tôi sẽ nói gì với ngài Thủ tướng đây?”. Shamron hỏi.
“Nói với ông ấy rằng tôi còn phải suy nghĩ đã”.
“Phòng Tác chiến chỉ là một trạm quá cảnh thôi, Gabriel. Một ngày nào
đó cậu sẽ trở thành sếp lớn. Memuneh”.
“Chính ông là memuneh, Ari. Luôn luôn là như thế”.