các nhóm bệnh nhân, số phòng ban phân công cho từng loại, và những đề
tài mà họ đã nghiên cứu.
“Tất nhiên là,” bà giải thích, “chúng tôi không còn nhận thêm nhiều
bệnh nhân I.Q. cao hơn nữa. Những người có chỉ số I.Q. từ sáu mươi đến
bảy mươi ngày càng được chăm sóc nhiều hơn tại lớp đặc biệt của các
trường học trong thành phố, hoặc nếu không thì cũng có những cơ sở cộng
đồng lo cho họ. Hầu hết những trường hợp chúng tôi nhận đều có thể tự
sống được, ở nhà an dưỡng hay trường nội trú, và làm những công việc đơn
giản trong nông trại hoặc bộ phận phục vụ ở nhà máy hay xưởng giặt…”
“Hoặc ở tiệm bánh,” tôi đề xuất.
Bà nhướng mày: “Vâng, tôi nghĩ rằng họ có thể làm được việc đó. Bây
giờ chúng tôi cũng phân loại trẻ em (tôi gọi tất cả trẻ em là trẻ em, bất kể
bao nhiêu tuổi thì ở đây các em đều là trẻ em hết), chúng tôi phân loại theo
minh mẫn hay không minh mẫn. Nếu được phân chia đúng cấp độ, việc
quản lý tòa nhà các em ở sẽ đơn giản hơn. Một số em thuộc nhóm không
minh mẫn bị tổn thương nặng ở não, phải nhốt vào cũi, và chúng tôi buộc
phải chăm các em theo cách đó đến hết đời…”
“Hoặc đến khi khoa học tìm ra cách giúp đỡ các em.”
“Ồ”. Bà mỉm cười, thận trọng giải thích với tôi. “Tôi e rằng các em này
hết thuốc chữa rồi”.
“Chẳng có ai là hết thuốc chữa cả”.
Bà ta liếc tôi, vẻ ngờ vực: “Vâng, vâng, tất nhiên, anh nói đúng. Chúng
ta phải có hy vọng chứ”.
Tôi khiến bà ta lo lắng. Tôi tự mỉm cười khi nghĩ đến cảnh không biết sẽ
thế nào nếu người ta đưa tôi trở lại đây gia nhập quân đội trẻ em của bà ta.
Tôi có thuộc nhóm minh mẫn không nhỉ?