đang đứng ở quầy gói bánh sinh nhật cho một người khách quen của tiệm –
chiếc bánh giá 3 đô la 95 xu. Nhưng khi Gimpy gõ giá tiền thì trên máy lại
chỉ hiện 2 đô la 95 xu. Tôi bảo anh ta là có nhầm lẫn thì nhìn thấy trong tấm
gương sau quầy người khách nháy mắt và mỉm cười với Gimpy và Gimpy
cũng mỉm cười lại. Và khi người đó nhận lại tiền thừa, tôi nhìn thấy một
đống bạc lớn lấp lánh trong tay Gimpy, trước khi anh ta kịp nắm tay lại, rồi
sau đó anh ta nhanh nhẹn gạt đồng xu nửa đô la vào túi áo.
Một giọng phụ nữ cất lên bên cạnh tôi: “Charlie, có còn cái bánh nhồi
kem nào như thế này nữa không?”
“ Tôi sẽ ra sau xem thử.”
Tôi lại thấy mừng khi bị xen ngang thế này, bởi vì tôi sẽ có thêm thời
gian để suy nghĩ những gì mình vừa chứng kiến. Tất nhiên, Gimpy không
nhầm lẫn chút nào cả. Anh ta đã cố tình tính giá thấp cho khách, và giữa họ
có sự thông đồng với nhau.
Tôi dựa hờ lưng vào tường, không biết phải làm gì. Gimpy làm việc cho
ông Donner hơn 15 năm nay. Lúc nào cũng coi nhân viên như bạn thân, như
anh em, ông Donner đã không ít lần mời gia đình Gimpy đến nhà mình ăn
tối. Ông thường giao cho Gimpy trách nhiệm trông cửa hàng mỗi khi ông
phải ra ngoài, và tôi đã từng nghe chuyện về những lần ông Donner đưa tiền
cho Gimpy để trả viện phí cho vợ.
Thật không thể nào tin được là có kẻ lại ăn cắp của một người tốt bụng
như thế. Hẳn phải có cách giải thích khác chứ. Gimpy tính nhầm tiền hàng
thật, còn đồng nửa đô la là tiền thưởng của khách. Hoặc có thể ông Donner
đã có một thỏa thuận đặc biệt với ông khách này vì ông ta thường xuyên
mua bánh kem ở cửa hàng. Bất cứ lý do nào cũng được, miễn là không phải
nghĩ rằng Gimpy đã ăn cắp. Gimpy lúc nào cũng tử tế với tôi.