Sứ giả phi ngựa lên Lạng Sơn, xin vào đại bản doanh quân Thanh
khấu đầu lạy tạ, trình bẩm văn lên ngài Tổng đốc. Nghị ngồi trên ghế cao,
khoát tay làm lệnh cho hầu vệ nhận bẩm văn giăng ra trước mặt, xem qua.
Mắt long sòng sọc, nhớ lời vua Càn Long hạ chiếu trước lúc xuất binh là
phải đặt nền đô hộ trên đất Việt, mở rộng vào Nam thành phủ huyện của
Thanh triều. Cái mũ cánh chuồn cứ lúc lắc, huếch mũi két, Nghị ra oai, giật
bẩm văn ném trả, hét toáng lên:
-Ta thừa lệnh Thanh triều, hộ giá vua Chiêu Thống về tận Thăng
Long, thì không thể chấp nhận bất kỳ ưu sách nào của Tây Sơn!
Trông thái độ của Nghị phát khiếp, đối lập hoàn toàn với lời réo gọi
của bọn tay sai từ khắp nơi cứ dội vào tai: “Loa, loa, loa»…Sứ giả hoảng
sợ, mò nhặt lại mảnh giấy, lùi ra ngoài, giục ngựa phi như bay.
Cả triều đình đang nôn nao chờ đợi, Sứ giả mang lời khước từ của
Nghị về, thì hội vào bàn thương nghị. Nhiều ý kiến thống nhất về việc bất
tương quan lực lượng giữa ta và giặc xâm lược quá xa, chỉ cho phép ta
dùng quân mai phục đánh tiêu hao quân địch.
Ngô Thì Nhậm không đồng tình, phân tích kỹ:
-Giặc mới tới khí tượng đang hăng, lại khoe khoan thanh thế vua Càn
Long quân đông như kiến cỏ, ta cho một ít ra khỏi thành, nhất định sẽ bị
chúng bao vây truy lùng không thoát được, chứ đừng nói chi đến chuyện
mai phục. Thêm vào đó, cựu binh sĩ Bắc hà nhuệ khí vốn đã nhục, ta cho ra
khỏi thành, họ sẽ thừa cơ hội trốn sạch. Đến lúc, ta muốn đánh, hay thủ
cũng đâu còn quân? Chi cho bằng, cứ rút cả thủy lẫn bộ vào cố thủ từ Tam
Hiệp ra biển Đông để bảo tồn lực lượng, chờ Bắc Bình vương quyết định.
Đến lúc đó, ta sẽ sóng mái với quân thù cũng chẳng muộn.
Ngô Sở băn khoăn lo lắng: giặc đến chưa đánh đã rút quân, tránh sao
khỏi tội với Bắc Bình vương?