-Tâu Thánh thượng! Chữ Hán du nhập vào nước ta từ thời Bắc Thuộc.
Vì nước Nam chưa có chữ viết, nên Tổ tiên ta đã mượn chữ Hán sử dụng
và lưu truyền từ bấy đến nay. Còn chữ Nôm là do các bậc kỳ sĩ trước đây
đã dựa trên cơ sở cái gốc là chữ Hán sáng chế ra, nên chưa được gọi là một
loại chữ độc lập và thông dụng.
Tính độc lập luôn ngự trị ở trong tâm khảm, nhà vua hiểu ngay, La sơn
Phu Tử muốn dùng cả hai loại chữ ấy vào chương trình cải cách giáo dục
đương đại, liền quyết định:
-Ta là nguời Việt Nam thì phải sử dụng chữ của nước nhà là chữ Nôm.
Tuy nó còn hạn chế bởi nhiều lý do, nhưng từng bước sẽ bổ sung và phát
triển thành một loại chữ độc lập của dân tộc mình. Còn chữ Hán vẫn bảo
lưu để cho tiếng của ta thêm phong phú. Chẳng những thế, ta còn phải cử
người đi học thêm nhiều thứ tiếng trên thế giới, mở rộng hiểu biết ra tòan
nhân loại để có thể chuyển mình theo sự phát triển chung của toàn cầu.
Khanh thấy sao?
Khi nhà vua đã quyết điều chi thì dẫn giải cụ thể rõ ràng, Phu Tử
không thể nói khác:
-Thần xin tuân chỉ!
-Điều quan trọng nữa là- nhà vua nói tiếp- trẫm định sáng lập “Sùng
chánh viện”, bổ nhiệm khanh làm Viện trưởng viện Hàn lâm, đảm nhận
trách nhiệm chỉ đạo chung cải cách giáo dục và dịch thuật. Phải dịch những
kinh điển thơ văn Trung Hoa có tác dụng giáo dục đạo đức thẩm mỹ sang
chữ Nôm, sung vào học đương phổ biến rộng rãi trong toàn quốc. Đồng
thời, khuyến khích các nhà văn nhà thơ nếu có ý thức chuyển mình theo
triều đại mới thì sáng tác bằng chữ Nôm.
-Thần xin tuân chỉ! –Phu Tử lại đáp.