công d Alençon không thay đổi nét mặt, không hề có cử chỉ nào khác trước
lời đe doạ đó - Điều bí mật sẽ được giữ kín trong chúng ta nếu cả hai chúng
ta đều sống hơn là một trong hai người chết đi. Ông hãy nghe ta và đừng có
làm phiền chuôi kiếm của ông nữa. Lần thứ ba nhắc với ông rằng ta là một
người bạn. Xin ông hãy trả lời như với một người bạn. Nào, có phải vua
Navarre đã từ chối tất cả những điều mà ông trao dâng cho ông ta không?
- Thưa điện hạ, vâng, tôi thừa nhận điều đó; vì nó chỉ gây hại cho mỗi mình
tôi thôi.
- Có phải lúc ông ra khỏi phòng ông ta, ông đã xéo lên chiếc mũ của mình
mà nguyền rủa rằng ông ta là một ông hoàng hèn nhát và không xứng đáng
là thủ lĩnh của các ông nữa hay không?
- Thật thế, thưa điện hạ, tôi có nói vậy.
- A! Thật là! Rút cuộc là ông cũng đã nhận.
- Thưa vâng.
- Ông vẫn giữ ý như thế chứ?
- Hơn bao giờ hết, thưa điện hạ!
- Vậy thì ta đây, ông de Mouy, ta, con trai thứ ba của Henri đệ nhị, ta,
hoàng tử Pháp, liệu ta có đủ tư cách quý tộc để chỉ huy binh lính cho ông
không? Và ông có coi ta là thẳng thắn để ông tín nhiệm lời nói của ta hay
không?
- Ngài ư? Thưa điện hạ? Ngài là thủ lĩnh của người Tân giáo ư?
- Tại sao không nhỉ? Đây là thời buổi cải đạo. Ông biết đấy Henri cải làm
Giatô giáo, ta cũng có thể cải theo Tin lành được lắm chứ.
- Thưa điện hạ, hẳn thế, vì vậy tôi xin điện hạ hãy giải thích rõ cho tôi…
- Chẳng gì đơn giản hơn, và ta sẽ nói vắn tắt cho ông cái phép làm chính trị
của tất cả mọi người:
- Anh Charles của ta giết người Tân giáo vì ông ấy muốn trị vì rộng hơn.
Anh d Anjou nhà ta để cho Charles giết người Tân giáo vì ông ta sẽ lên nối
ngôi sau Charles và vì như ông biết đấy, anh Charles của ta đau ốm luôn.
Còn ta… mọi việc lại khác. Ta sẽ không lên ngôi trị vì, ít ra là ở Pháp, vì ta
còn có hai ông anh đứng trước. Mối căm ghét của mẹ ta và hai anh ta đẩy
lui ta ra xa khỏi ngai vàng hơn cả những luật lệ của tự nhiên. Ta không có