Bảy năm sau, vào cái ngày chia tay được một tháng mười hai ngày, Lưu
Nghiễn ngồi một mình trong phòng học, lòng bỗng dậy lên thứ cảm xúc
không lời.
“Lưu Nghiễn!” Một người bạn cùng lớp ló đầu vào gọi: “Thầy hướng
dẫn đang đợi cậu kìa, sao còn chưa đi?”
Lưu Nghiễn như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, nhanh chóng thu dọn bản vẽ,
vội vàng đi về phía văn phòng giáo viên.
“Bản thiết kế tôi đã xem rồi.” Thầy trưởng khoa nhận xét: “Lỗi lặt vặt thì
nhiều, lỗi lớn thì không có.”
Lưu Nghiễn đặt bản vẽ xuống, giơ tay đón lấy tách cà phê thầy giáo đưa
cho, vừa nhâm nhi vừa ngắm tủ sách, hỏi: “Em có thể mượn vài quyển sách
về đọc được không ạ?”
“Tất nhiên là được.” Thầy hướng dẫn của Lưu Nghiễn độ năm mươi tuổi,
là một người đàn ông rất phong độ, lúc này đang ngồi bên bàn làm việc,
nhấp một ngụm cà phê: “Thiết kế của em đều rất chú trọng vào ứng dụng
thực tế, mang đậm phong cách Iceland, nhưng mảng công thái học[1] lại là
điểm yếu, bê bết hết chỗ nói.”
Lưu Nghiễn cười cười tự giễu: “Hồi còn học bên Bauhaus[2], môn công
thái học của em luôn rất tệ. Thầy ơi, đây là sách gì vậy?”
[1] Công thái học - Ergonomics: Bộ môn khoa học nghiên cứu mối quan
hệ giữa con người và môi trường làm việc của họ, đặc biệt trên khía cạnh
“sử dụng”. Để sản phẩm đạt đến sự phù hợp tốt nhất với người dùng, các
nhà thiết kế phải bảo đảm thiết bị và môi trường làm việc thích hợp khả
năng cũng như hạn chế của người sử dụng chúng. (Mọi chú thích đều của
dịch giả.)
[2] Bauhaus: Trường đại học nổi tiếng của Đức.
Lưu Nghiễn rút ra từ trên kệ một quyển sách có tên Sổ tay sinh tồn trong
đại dịch thây ma, không kìm được bật cười.
Thầy trưởng khoa vốn rất quý cậu học trò Lưu Nghiễn này, ông mỉm
cười giải thích: “Em biết không, hồi tháng 5 vừa rồi Bộ quốc phòng Mỹ
công bố trên mạng một tài liệu cảnh báo và hướng dẫn dự phòng. Phía