“Chính tên huynh đệ song sinh của đức lang quân đã ghé thăm người thiếu
phụ vào đêm hôm đó!” Quân sư Hồng Lượng vội giải thích. “Y đã chặt đứt
ngón tay mình để nương tử kia nhầm y với phu quân thực sự của nàng! Đó
là lý do tại sao vở kịch có tựa đề ‘Một ngón tay cho một đêm xuân’!”
“Cũng là một câu chuyện thú vị!” Địch Nhân Kiệt nói và đứng dậy. “Tốt
hơn là chúng ta nên quay về.”
Gã mập ngồi trước ông đang lột một trái cam và cẩu thả ném mấy miếng vỏ
qua vai, trúng cả vào vạt áo Địch Nhân Kiệt. Mấy kẻ làm hậu đài đang mở
một dải lụa lớn màu đỏ vẽ sáu chữ đen.
“Bẩm, đại nhân nhìn kìa!” Quân sư Hồng háo hức thốt lên. “Vở kịch tiếp
theo là ‘Vũ huyện lệnh tam kì án’!”
Địch tri huyện cam chịu nói, “Vũ huyện lệnh là bậc thần thám của nhà Hán
bảy trăm năm trước. Chúng ta hãy xem họ diễn chuyện đó ra sao.”
Hồng Lượng lại ngồi xuống, thở dài mãn nguyện.
Trong khi đội nhạc khí bắt đầu một giai điệu sôi động điểm thêm tiếng lách
cách của phách gỗ, mấy kẻ làm hậu đài mang theo một chiếc bàn lớn sơn
son lên sân khấu. Một kép hát với thân hình hộ pháp, khuôn mặt bôi đen và
bộ râu dài sải bước trên sân khấu. Nam nhân mặc một chiếc áo choàng màu
đen thêu những con hồng long rủ xuống và đội chiếc mũ ô sa cao màu đen,
bao quanh đỉnh là một vòng các món trang trí lấp lánh. Ngài chậm chạp an
tọa xuống đằng sau chiếc án thư đỏ, được khán giả nhiệt tình chào đón ầm ĩ.
Hai nam nhân đi đến và quỳ xuống trước bàn xử án. Họ bắt đầu xướng một
bản song ca bằng giọng cao lanh lảnh. Vũ thần thám lắng nghe, xòe ngón tay
cào cào bộ râu của mình rồi giơ tay lên. Địch Nhân Kiệt không thể nhìn thấy
ngài chỉ vào cái gì bởi ngay lúc đó, một tiểu tử ăn mặc nhếch nhác bán bánh
khô dầu cố leo qua băng ghế trước mặt ông và tranh cãi với gã béo. Nhưng
giờ đây, tai của Địch Nhân Kiệt đã bắt đầu thích nghi được với cách phát âm