đã nghiên cứu văn thư về vấn đề đó và cho rằng gánh nặng tô thuế của các
nông phu nghèo khổ là quá nhiều.”
“Ta xin toàn tâm toàn ý giúp đỡ,” họ Vương đáp. “Nhân tiện cho ta hỏi, làm
thế nào ngài nhận ra ta? Ta đã nghĩ là mình sẽ phải giải thích mọi thứ cho
ngài.”
Địch Nhân Kiệt đáp lời, “Khi đụng độ ngài ở hành lang hậu viện của lệnh
huynh, ta đã nghi ngờ ngài là hung thủ cải trang thành oan hồn của nạn nhân
để có thể âm thầm tìm kiếm văn tự buộc tội mà cố huyện lệnh có thể đã để
lại. Nỗi nghi ngờ ấy quá lớn nên cùng đêm đó ta đã có một chuyến viếng
thăm bí mật đến Bạch Vân tự và tận mắt trông thấy thi hài của lệnh huynh
đại nhân. Nhưng sau đó ta nhận ra rằng sự giống nhau như tạc ấy quá hoàn
hảo, không thể đạt được bằng cách cải trang. Vì vậy ta bị thuyết phục là
mình đã thực sự diện kiến hồn ma của huyện lệnh quá cố.
“Chỉ tới đêm nay, ta mới tìm ra sự thật. Ta đã xem một vở kịch về hai huynh
đệ song sinh, chỉ có thể phân biệt được bởi một người mất ngón tay trỏ.
Điều đó khiến ta nghi ngờ tính xác thực của vong hồn, vì ta ngẫm rằng nếu
người quá cố có huynh đệ song sinh, y có thể dễ dàng giả làm hồn ma của
huyện lệnh, có lẽ bằng cách dán hoặc vẽ một vết chàm trên má nếu cần. Lão
Đường từng nói với ta rằng người thân thích duy nhất còn tại thế của Vương
huyện lệnh là một lệnh đệ mà nha phủ vẫn chưa liên lạc được. ‘Bốc Khải’ là
nam nhân duy nhất hội tụ đủ mọi yếu tố: gã đến đây ngay sau vụ mưu sát cố
huyện lệnh, gã quan tâm đến vụ án, Tào tiểu thư cùng một tiểu nhị có óc
quan sát đều đồng lòng dành những lời nhận xét hảo ý về Bốc Khải, khiến ta
nghi ngờ rằng gã đang diễn một vai.
“Thưa đại nhân, nếu ngài không mang họ Vương, cũng như họ Diệp và họ
Đặng là những họ thường gặp trong bách tính chúng ta, thì có lẽ ta đã nhớ ra
ngài sớm hơn rồi. Vào thời điểm ta rời kinh thành, những tội ác được gán
ghép cho ngài và sự biến mất của ngài đã gây chấn động nơi đó. Rất tự
nhiên, khả năng đáng chú ý của ‘Bốc Khải’ trong các vấn đề về ngân quỹ đã