qua văn khố ở cạnh thư phòng, Địch Nhân Kiệt bước ra ngoài dãy sân phía
trước khách sảnh. Viên lục sự già nua thấp thỏm giải thích rằng khách sảnh
vốn đã không được sử dụng từ lúc quan khâm sai rời khỏi đây, bàn ghế còn
kê lộn xộn không đúng chỗ. Huyện lệnh lấy làm lạ về dáng vẻ lom khom
đầy lúng túng của lão quan, trông có vẻ gượng gạo thiếu tự nhiên.
“Ngươi quản mọi sự rất chu toàn và ngăn nắp,” Địch Nhân Kiệt nói kiểu vỗ
về.
Lão Đường cúi rạp mình rồi lắp bắp, “Bẩm đại nhân, thuộc hạ phụng sự ở
đây đã bốn mươi năm rồi, từ lúc còn là một nha lại chạy việc vặt trong nha
phủ. Thuộc hạ thích mọi thứ phải có trật tự kỷ cương. Mọi việc ở đây vốn
rất suôn sẻ, nhưng giờ mọi thứ trở nên tệ đi sau ngần ấy năm…”
Nói đến đây, lão nhỏ giọng dần, rồi hấp tấp mở cửa gian khách sảnh.
Khi họ vây quanh cái bàn cao được chạm trổ tinh xảo nằm giữa gian phòng,
lão Đường cung kính dâng ấn quan vuông vức của phủ nha lên cho huyện
lệnh. Địch Nhân Kiệt đem nó so với con dấu được đóng trên sổ sách, rồi đặt
bút ký nhận. Từ giờ phút này, Địch Nhân Kiệt chính thức nhậm chức huyện
lệnh, nắm quyền cai quản huyện Bồng Lai.
Ông vuốt chòm râu và nói, “Án mưu sát cố huyện lệnh phải được ưu tiên
giải quyết trước các sự vụ thông thường. Vào lúc thích hợp, ta sẽ tiếp đón
các thân hào nhân sĩ trong huyện và tuân thủ các nghi lễ cần thiết khác.
Ngoài những người làm việc trong nha phủ này, hôm nay ta còn muốn diện
kiến các vệ úy trấn thủ bốn phía cổng thành.”
“Bẩm đại nhân, thực ra là có năm người ạ,” lão Đường nhắc, “tính cả quan
trông coi phố người Cao Câu Ly nữa.”
“Y là người Hán chứ?” Địch Nhân Kiệt hỏi.