đình gì! Nhưng nhờ ngồi cùng hội cùng thuyền với lão Đường, hắn luôn
được lão già ấy bao che cho.”
“Chà,” Kiều Thái chen vào, “những ngày huy hoàng của gã Phạm Trọng đó
đã chấm dứt, giờ đây hắn sẽ phải làm việc dưới trướng của ta cùng bằng hữu
đây. Nhưng chắc hắn cũng đã vơ vét được kha khá của đút lót rồi. Ta nghe
nói hắn có một nông trang nhỏ phía tây trấn.”
“Hắn thừa hưởng nơi ấy từ một người họ hàng xa vào năm ngoái,” lão bản
nói. “Nông trang đó cũng chẳng có gì nhiều đâu, chỉ là một chốn hẻo lánh bé
tẹo ở gần ngôi miếu bỏ hoang. À, nếu hắn ta mất tích ở đó, chắc chắn là bị
bọn họ bắt rồi.”
“Ông không thể nói thẳng ra một lần được à?” Mã Vinh mất kiên nhẫn la
lên. “Bọn họ là ai kia chứ?”
Lão bản quay sang quát tiểu nhị đặt hai bát mì lớn lên trên bàn, rồi thấp
giọng thều thào tiếp.
“Có một ngôi miếu cổ ở phía tây nông trang của gã Phạm Trọng, nơi giao
nhau giữa con đường thôn với đường cái. Vào chín năm trước, bốn nhà sư
đã ngụ lại nơi ấy, họ vốn là người của Bạch Vân tự ở ngoại ô Đông môn.
Một buổi sáng nọ, người ta phát hiện cả bốn người đều đã chết, cổ họng rách
từ tai này qua tai kia! Không có ai thế chỗ bọn họ nên ngôi miếu bị bỏ hoang
từ dạo ấy. Nhưng hồn ma của bốn người vẫn còn lởn vởn trong miếu. Các
nông phu từng nhìn thấy ánh lửa ma trơi ở đó vào buổi tối và ai ai cũng
tránh xa nơi đó. Chỉ mới tuần trước, một đứa cháu họ của tôi có việc phải đi
ngang qua đó lúc đêm khuya và nhìn thấy một nhà sư không đầu đang lượn
lờ dưới ánh trăng. Thằng bé trông rõ ông ta xách theo một thủ cấp dưới cánh
tay.”
“Trời ơi!” Kiều Thái la toáng lên. “Dừng ngay những câu chuyện rùng rợn
ấy đi! Làm sao ta nuốt nổi sợi mì khi mà bọn họ cứ hiện ra ở dưới đáy bát
đây?”