“Thưa đại nhân, lão Đường đã kể với lão phu,” lão Hồng xen vào, “rằng vài
năm trước, một vị huyện lệnh tại nhiệm không muốn có bất cứ nhà thổ nào
bên trong trấn. Vì thế, bọn kỹ nữ buộc phải dời lên trên những con thuyền,
neo đậu ở nhánh sông ngoại ô tường thành. Sau đó, vị huyện lệnh hay ra vẻ
quang minh lỗi lạc ấy được thuyên chuyển đi nơi khác, nhưng những nhà
thổ vẫn lưu lại đó vì các thuyền nhân cảm thấy điều này thuận tiện. Bọn họ
có thể đến thẳng nơi ấy từ thuyền của mình mà không cần phải đi ngang qua
đội lính tuần tại các cổng.”
Địch Nhân Kiệt gật gù, vuốt chỗ tóc mai dài và nhận xét, “Gã Bốc Khải đó
nghe chừng cũng thú vị đấy, lúc nào ta muốn gặp gã.”
“Gã ta tự xưng là một thi sĩ,” Kiều Thái nói, “nhưng gã cũng là một khách
nhân tinh tường lẫn tinh tướng. Chỉ thoáng nhìn một cái là gã đã đoán ra bọn
thuộc hạ từng là những kẻ cường đạo. Rồi lúc ở trên thuyền, gã là người duy
nhất nhận ra bọn chúng đang đánh đập cô nương đó.”
“Đánh đập một cô nương sao?” Địch Nhân Kiệt kinh ngạc hỏi.
Kiều Thái đấm vào đầu gối của mình. “Cái gói!” Y la lên. “Thuộc hạ thật
đần độn! Thuộc hạ đã quên mất nó! Cô nương Cao Câu Ly đó đã đưa lại cho
thuộc hạ một cái gói mà Vương huyện lệnh giao phó cho nàng ấy.”
Huyện lệnh bật dậy khỏi ghế. “Nó có thể là manh mối đầu tiên của chúng ta
đấy!” Ông phấn khởi nói. “Nhưng tại sao vị cố huyện lệnh lại đưa nó cho
một kỹ nữ tầm thường chứ?”
“Bẩm,” Kiều Thái đáp, “cô nương đó thuật rằng mình đã gặp Vương huyện
lệnh khi được vời đến góp vui trong một bữa tiệc tại tửu lâu, rồi lão huyện
lệnh vô lại ấy bắt đầu sủng ái nàng ta. Tất nhiên lão không thể đến thăm kỹ
nữ ở trên thuyền hoa, nhưng vẫn thường xuyên giữ nàng ấy lại qua đêm
ngay tại hậu viện của mình. Vào buổi sáng nọ, khoảng một tháng trước, khi
nàng ta chuẩn bị rời đi, lão đưa cho nàng một cái gói và bảo rằng nơi không
ai nghĩ đến nhất luôn là chỗ giấu đồ an toàn nhất. Lão bảo nàng ta giữ hộ