nóng nực, con đường ra chợ tỉnh bụi bẩn kinh khủng và trước khi Hans đi
đến cột cây số thứ 6 thì anh đã mệt nhoài đến mức hai chân chỉ chực khuÿu
xuống để được nghỉ một lát. Tuy vậy, anh vẫn lầm lũi, kiên gan đi tiếp và
cuối cùng anh cũng ra được đến chợ. Sau khi ngồi đợi một lúc anh bán bao
bột mì với giá hời. Rồi anh vội vã quay về nhà vì sợ rằng nếu anh nấn ná ở
lại trời sẽ tối rất mau và trên đường về có thể gặp bọn cướp.
“Thật là một ngày nhọc nhằn vất vả,” Hans tự nhủ trong lúc lên giường đi
ngủ, “nhưng mình rất vui là đã không phụ lòng người bạn tốt nhất của
mình, với lại anh ấy sắp cho mình cái xe đẩy”.
Sáng hôm sau chủ cối xay đi xuống đồi để lấy tiền bao bột mì nhưng Hans
nhỏ mệt đến nỗi anh vẫn còn ngủ mê mệt trên giường.
“Nói thật chứ anh lười quá thể đấy Hans ạ,” chủ cối xay dài giọng dè bỉu.
“Cứ nghĩ xem khi tôi có ý định cho anh cái xe đẩy tôi cứ tưởng anh phải
chăm chỉ hơn chứ. Lười biếng cũng là một trọng tội đấy, chắc chắn tôi
không thích những người bạn biếng nhác hay đại lãn đâu. Anh không phiền
khi tôi nói thẳng như vậy chứ. Ấy đấy, thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng
mà. Tất nhiên tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện nói như thế nếu không coi
anh là bạn thân. Nhưng tình bạn còn có ý nghĩa gì nữa nếu ta không thể nói
ra đúng cái điều muốn nói? Bất cứ ai cũng có thể nói ra những điều dễ lọt
tai, hoặc nịnh nọt, tâng bốc nhau nhưng một người bạn thật sự bao giờ cũng
nói những điều thẳng thắn khó nghe mà không nghĩ đến chuyện sợ bạn
mếch lòng. Thật thế, nếu anh là một người bạn thật sự thì anh phải tiếp thu
những ý kiến phê bình bởi điều đó chỉ có lợi cho anh thôi”.
“Tôi xin lỗi,” Hans nói, dụi dụi mắt, kéo cái mũ ngủ xuống, “hôm nay tôi
mệt đến nỗi tôi chỉ muốn nằm nướng thêm một chút nữa để lắng nghe tiếng
chim hót. Anh biết rõ là tôi bao giờ cũng bắt tay vào làm việc ngay sau khi
nghe tiếng chim đánh thức tôi dậy...”.