rất hạnh phúc nếu có thể gọi những niềm vui lớn nhỏ là hạnh phúc. Vâng,
tôi đã sống và đã chết. Khi tôi chết người ta đưa tôi lên đây, cao đến nỗi tôi
có thể thấy tất cả những xấu xa, ô trọc và đau khổ của thành phố này. Và
dẫu trái tim tôi được đúc bằng chì thì tôi cũng không thể không khóc được.”
“Cái gì, anh ta không phải được làm bằng vàng thật sao?” Chú Nhạn ta tự
hỏi. Nó quá lịch thiệp để có thể nói ra bất cứ một nhận xét có tính cách cá
nhân nào.
“Cách đây khá xa,” pho tượng tiếp tục bằng một giọng trầm trầm đầy nhạc
tính, “cách đây khá xa trong một con phố hẹp có một ngôi nhà nhỏ tồi tàn.
Một ô cửa sổ đang mở và qua đó tôi có thể nhìn thấy một người đàn bà
đang ngồi bên bàn. Khuôn mặt gầy gò, hốc hác, đôi tay đỏ ửng, sần sùi, đầy
vết kim châm bởi vì bà làm nghề thợ may. Bà phải thêu những bông hoa lạc
tiên lên những chiếc váy xa tanh cho cô phù dâu dễ thương nhất của Nữ
hoàng mặc trong buổi dạ hội lần tới, được tổ chức trong hoàng cung. Trong
chiếc giường ở góc phòng là đứa con trai bé bỏng của bà đang bị ốm. Nó
sốt rất cao, chỉ muốn ăn cam. Nhưng mẹ nó chẳng có gì cho nó uống trừ
nước lã mang từ sông về, thế nên nó mới khóc như thế. Nhạn ơi, Nhạn bé
nhỏ ơi, bạn có vui lòng mang đến cho người mẹ viên hồng ngọc trên chuôi
gươm của tôi không? Chân tôi bị vít chặt vào cái bệ này và tôi không thể đi
đâu được”.
“Người ta đang đợi tôi ở bên Ai Cập,” Nhạn tâm sự. “Bạn tôi đang bay lên
bay xuống vùng lưu vực sông Nile, trò chuyện với những bông sen lớn.
Chẳng bao lâu sau họ sẽ ngủ trong lăng mộ của một vị Hoàng đế. Vị Hoàng
đế này nằm trong một chiếc quan tài có vẽ hoa văn lộng lẫy. Người ông ta
quấn trong một tấm vải liệm bằng len màu vàng và toàn thân tẩm đầy
hương liệu quý. Cổ ông ta đeo một sợi dây chuyền cẩn những viên ngọc
màu xanh lá cây, đôi tay ông ta nom như những chiếc lá khô héo”.
“Nhạn ơi, Nhạn ơi, Nhạn bé nhỏ ơi,” Hoàng tử gọi, giọng tha thiết, “bạn có
thể ở lại với tôi một đêm và làm sứ giả cho tôi không? Cậu bé kia đang khát