thịt muối, như thế đã là mãn nguyện.
Vì vậy, khi mùa xuân đến gần, lúc những chồi non xanh mơn mởn bắt
đầu xuất hiện trên cành cây của các bụi rậm trơ trụi, rồi dân làng bắt đầu
cày xới những thửa ruộng sình lầy để chuẩn bị cho vụ hè thì Bọ Hung vẫn
là con bé phụ việc cho bà mụ. Đôi lúc Bọ Hung sợ Jane là phù thuỷ, bởi vì
bà hay lẩm bẩm một mình, và có lần xô sữa bị vón cục đúng lúc bà đi
ngang qua. Nhìn chung, Bọ Hung chỉ biết Jane dễ nhớ mặt ngay lần đầu
gặp gỡ vì bà là một phụ nữ không già không trẻ, không mập cũng không
ốm, với chiếc mũi nhọn hoắt và kiểu liếc mắt sắc lẻm ẩn dưới cái khăn trùm
đầu hồ bột gấp nếp sắc cạnh.
Bọ Hung nhóm bếp lò mỗi buổi sáng, nó thổi phừng những hòn than nhỏ
cháy âm ỉ từ đêm trước cho chúng bén vào đám than vụn của ngày mới. Nó
quét sàn nhà, rưới nước lên rồi đứng giậm chân để nện cho nền được chắc.
Sau đó nó rán thịt muối, rửa dao cốc. Rồi nó rắc cúc tai hùm khắp nơi để
ngăn bọ chét đừng chui ra. Nó phủi bụi những chiếc kệ xếp đầy chai lọ,
bình thót cổ và chai da đựng phân rồng, tai chuột, gan ếch, tro cóc, nhớt ốc
sên, lá thơm, nước cốt tầm ma và vỏ cây trăn đen tán nhuyễn.
Buổi chiều, Bọ Hung rời làng vào rừng gom mật ong, bẫy chim, hái thảo
dược, bắt đỉa và lấy mạng nhện. Con mèo cũng đi cùng nó.
Khi có người gọi, Bọ Hung sẽ đi cùng bà mụ đến bất cứ nhà nào trong
làng có phụ nữ đang đau đẻ, miễn là bà mụ được trả một đồng penny bằng
bạc hay một khúc vải vừa mới dệt, hoặc một con gà mái mắn đẻ nhất trong
chuồng. Bọ Hung xách cái giỏ đựng tấm chăn lanh sạch, cỏ lưỡi chó và hạt
cúc dại để thúc sản phụ đẻ mau, mạng nhện để cầm máu, cây nhăng và cây
kỳ nham có lông để rửa ráy và xoa dịu sản phụ, râu dê để lợi sữa và trà ngải
đắng để kìm bớt khi sữa quá nhiều, rồi cả viên đá thạch anh để làm bùa
ngăn ngừa xui rủi, lá tầm gửi với cây cơm cháy để trừ tà.