V
Sau khi ra khỏi cửa đá, tôi lập tức về phòng ngủ và viết bài thâu
đêm. Tôi đem chuyện Từ Lệ Thanh bị cưỡng hiếp rồi mang thai,
sau đó lại bị đuổi học, chuyện trường giấu kín mọi chuyện với bên
ngoài, viết thành một bản tin. Đương nhiên, tôi biết thân phận
trước mắt của mình là một phóng viên, những thứ viết ra phải có độ
tin cậy. Do vậy, những chuyện kì lạ không thể giải thích được kia đều
không được xuất hiện trong bài viết.
Động cơ của tôi là trả lại cho Từ Lệ Thanh một con đường công lý.
Ngày thứ hai, tôi gửi bài viết của mình lên ban biên tập. Người
tiếp tôi là tổng biên tập tờ “Thân báo”. Bởi vì trước đó, tôi đã nói với
người bạn làm biên tập của tôi rằng, tin tức lần này gửi đến nhất
định phải do tổng biên tập đích thân kiểm tra.
Tổng biên tập là một người tuổi gần năm mươi. Rất may là, dưới
sự yêu cầu của tôi, ông ấy không hề đặt ra những câu hỏi hóc búa.
Sau khi đọc xong bài viết của tôi, ông nói:
- Tiểu Đào à, một tin chuyên đề có được đăng hay không buộc
phải xem tính chân thực và khả năng ảnh hưởng tới xã hội của nó. Tin
của cháu có đáng tin không? Tại sao nó lại bị giấu kín lâu như vậy?
- Dạ! Thưa Tổng biên tập, chính vì bị giấu kín lâu ngày như vậy
nên mới có mong muốn được đào lên. Từ Lệ Thanh tuy đã chết
nhưng hiện tại đại đa số những sinh viên nữ chưa chồng mà chửa
vẫn còn giữ thái độ cứng nhắc. Muốn kêu gọi sự quan tâm của tất
cả mọi người thì câu chuyện của Học viện Ngoại thương là điểm tiếp
cận tốt nhất.