đích thân ngỏ lời cầu hôn cho chính mình! Niềm kiêu hãnh duy nhất của
lão là sự giàu có; ước vọng duy nhất của lão là được thấy con trai nhờ tiền,
nhờ vợ, len lỏi được vào hàng quý tộc, vì đã có “lợi”, lão chỉ còn thiếu có
“danh”. Nếu sau này, lão có ý tha thứ cho con trai và đem đứa cháu nội về
nuôi, thì một phần vì bản chất con người trong lão chưa tắt hẳn, nhưng chủ
yếu là vì đứa trẻ có vẻ mặt dáng điệu của con nhà quý tộc, hứa hẹn rất
nhiều sẽ thỏa mãn nguyện vọng của ông nội. Chính sự giằng co gay gắt
giữa tình cảm cha con và lòng ham danh lợi trong người lão lại càng cho ta
rõ hơn tác dụng phá hoại của đồng tiền đối với bản chất tốt đẹp của con
người. Trong xã hội tư bản, những tình cảm thiêng liêng nhất cũng có thể
trở thành những món hàng; có thể lấy nhân vật Bơlôc, con rể lão Osborne
làm thí dụ. Trước khi lấy vợ, hắn đắn đo cẩn thận, mặc cả rạch ròi về món
tiền hồi môn, thận trọng như một thương gia khi hùn vốn vào một công ty.
Trước những tai họa xảy đến cho gia đình nhà vợ, hắn có một thái độ điển
hình cho “tâm lý lạnh lẽo giá băng của đồng tiền”: hắn coi việc George
Osborne bị bố từ là một dịp để kiếm thêm vạn đồng bảng Anh trong phần
gia tài của vợ, và khi hay tin bố vợ chết, câu nói đầu tiên của hắn là: “Ông
cụ để lại cho thằng bé bao nhiêu tiền đấy hả?… Nhất định không phải là
một nửa gia tài chứ? Phải chia làm ba phần đều nhau, dứt khoát thế!”
Tóm lại, qua tác phẩm, cái thế lực hung hãn và cái bản chất vô tình vô
nghĩa của đồng tiền đã được minh họa bằng những nét đen thẫm.
Trong xã hội cũ, loại người to tiếng nhất dạy luân lý cho người ta là mấy
vị tu sĩ. Nhưng trong Hội chợ phù hoa, ông mục sư Biutơ Crawley đã
không xứng đáng đại diện cho giới mình chút nào. Ông ta đi chơi suốt đêm
thứ bẩy sáng sớm chủ nhật mới hối hả mò về nhà thờ giảng đạo; bài thuyết
giáo thường do bà vợ soạn sẵn hộ, ông ta cứ lên bục giảng mà không cần
hiểu ý nghĩa ra sao. Ông thuộc loại tu sĩ sành thể thao, ham tiệc tùng hơn
việc Chúa: đức cha rất thánh lại có đầy đủ những thói xấu của con chiên
vẫn được ngài thuyết giáo hàng tuần, nghĩa là tham ăn tục uống, hám lợi,
đạo đức giả và thô bỉ. Giáo điều đã mất cả hiệu lực ngay cả đối với những