hoạch nhiều hay ít, con lợn béo cân nặng mười ba hay mười bốn ston hoặc
bầy gia súc ăn củ cải đường, có béo hay không. Từ bữa viết thư cho chị,
ngày nào cũng giống như ngày nào. Trước bữa ăn sáng, đi bách bộ một
lượt với cụ Pitt cùng chiếc nạng của lão, ăn sáng xong, dạy học (cũng gọi
là dạy học!) trong phòng học, rồi cùng cụ Pitt đọc và viết về những chuyện
thày kiện, chuyện cho tương lai, chuyện mỏ than, kênh đào (em đã thành
thư ký của lão rồi đấy); cơm trưa xong, nghe ông Crawley thuyết lý, hoặc
đánh bài với lão nam tước; mặc em chọn cách giải trí, nam tước phu nhân
chỉ nhìn một cách thản nhiên. Hình như dạo này bà ta đẹp ra vì mới ốm, và
do đó mới có thêm một vị khách đến trại, tức là một ông bác sĩ trẻ tuổi.
Phải, chị ạ, đàn bà còn trẻ, không bao giờ cần phải tuyệt vọng. Ông bác sĩ
trẻ tuổi có bắn tin với một người bạn của chị rằng nếu em muốn trở thành
bà Glauber thì sẽ được sẵn sàng đón tiếp để trang điểm thêm cho bộ mặt
của phòng thuốc. Em mới bảo cái ông trơ tráo ấy rằng ông đã có cái chày
mạ vàng và cái cối tán thuốc, nhà cửa thế cũng đẹp chán rồi. Như thể em
sinh ra là để làm vợ một ông thày thuốc nhà quê ấy không bằng! Bị cự
tuyệt tàn nhẫn, ông Glauber giận lắm, bèn trở về nhà uống một cốc nước
lạnh, và thế là khỏi hẳn bệnh tương tư. Cụ Pitt rất tán thành quyết định của
em; giá bị mất cô thư ký bé bỏng chắc cụ buồn phiền lắm đấy. Em tin rằng
lão ma bùn ấy quý em cũng chẳng hơn gì lão vẫn hay quý báu người khác.
Lấy chồng, phải, mà lại lấy một ông lang nhà quê, sau này… không, không
làm sao người ta có thể quên ngay những chuyện cũ nhanh chóng như vậy;
nhưng thôi, em chả nói nữa. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện ở “Trại chán
ngấy”.
Khoảng ít lâu nay, không còn phải là “Trại chán ngấy” nữa rồi. Chị ạ,
bà Crawley đến chơi, mang theo đủ cả ngựa béo, đầy tớ béo, chó béo… tức
là cái bà lớn Crawley giầu nứt đố đổ vách, có bảy vạn đồng bạc vốn đặt lãi
đồng niên năm phần trăm… bà ta (hoặc đúng hơn là món tiền ấy) được hai
ông anh trai thi nhau thờ phụng. Bà lão đáng quý hình như bị bệnh chóng
mặt thì phải; thảo nào hai ông săn sóc bà em chu đáo gớm. Họ tranh nhau
đưa gối cho bà tựa, đưa cà phê cho bà uống. Bà cụ bảo: “Khi nào tôi về