biết giữ giá trị của mình giữa đám quý phái ngu độn ở Hamshire hơn cả cái
con mụ bất hạnh con gái nhà hàng sắt kia đấy.
Bà Briggs lại tán thành như thường lệ. Hai người tiếp tục phỏng đoán về
chuyện “đính ước” của Rebecca.
Bà Crawley bảo:
- Những con người không bè bạn đáng thương như các bà bao giờ mà
chẳng có một “anh nhân ngãi” nào đó. Cả bà nữa, ngày xưa bà cũng đã yêu
một ông giáo dạy viết (đừng khóc, bà Briggs… bà hay khóc lắm, khóc có
làm ông ta sống lại được đâu), mà tôi cứ cho rằng cái nhà cô Becky bất
hạnh kia cũng dại đột và đa cảm như vậy đi: một lão lang thuốc, một bác
quản gia, một anh thợ vẽ, một cậu mục sư trẻ tuổi nào đó, hoặc một thứ
người đại loại như thế chứ.
- Thật là đáng thương! Đáng thương quá!
Bà Briggs nói vậy, bà đang nghĩ tới chuyện hai mươi bốn năm về trước,
nghĩ tới cái ông thầy dậy viết gầy như que củi, đến mái tóc vàng và những
lá thư của ông ta, những lá thư rất đẹp tuy viết loằng ngoằng khó đọc mà bà
nâng niu giữ gìn trong ngăn bàn trên gác. Bà vẫn chép miệng “Thật là đáng
thương! Đáng thương quá!” Một lần nữa, bà sống lại thủa con gái mười
tám, với cặp má mịn màng tươi tắn, buổi tối đi lễ nhà thờ, bà và ông giáo
dạy viết nồng nàn kia cùng ngân giọng đồng ca bài hát nguyện.
- Bây giờ cô Rebecca đã cư xử như vậy, thì gia đình nhà ta phải đối đãi
với cô thế nào chứ. Bà Briggs, hãy dò xem anh ta là ai. Tôi sẽ cấp cho anh
ta một cái cửa hiệu, hay là đặt anh ta vẽ cho tôi một bức chân dung, bà hiểu
chứ? Hoặc tôi sẽ nói chuyện với ông anh họ tôi, làm giám mục… tôi sẽ cho
Becky một món hồi môn, và bà Briggs, ta sẽ tổ chức một lễ cưới. Bà phải
sửa soạn một bữa tiệc, và đi phù dâu.
Bà Briggs tuyên bố rất bằng lòng, và thề rằng bà Crawley thân mến của
bà bao giờ cũng tốt bụng, rộng lượng, đoạn bà lên phòng riêng của Rebecca
để an ủi cô và hỏi chuyện về việc cầu hôn, việc từ chối và về nguyên nhân.