Bây giờ còn lại một mình, Rebecca ngồi nghĩ lại những sự việc đột ngột,
kỳ lạ xảy ra ngày hôm ấy, cô nghĩ đến việc trót xảy ra mất rồi, và việc đáng
lẽ đã phải xảy ra.
Bạn đọc cho rằng trong thâm tâm cô ấy (ấy, xin lỗi), trong thâm tâm bà
Rebecca đang nghĩ gì nào? Trong mấy trang trước, kẻ viết truyện này đã
mạn phép tự cho mình cái quyền được tò mò ngó vào trong phòng ngủ của
Amelia Sedley, và với con mắt “thấu suốt nghìn đời” của nhà viết tiểu
thuyết, hiểu được những nỗi lo nghĩ, đau khổ êm đềm đang trằn trọc trên
tấm gối vô tội kia, thế thì tại sao kẻ viết truyện lại không dám tự nhận là
người bạn tâm tình của Rebecca, hiểu thấu mọi sự bí mật của cô, và nắm
giữ chiếc chìa khóa kho tàng tâm tình của cô thiếu nữ ấy?
Được, vậy thì trước hết Rebecca đang ngồi nghĩ thầm một cách đáng
cảm động mà tiếc mãi cái hạnh phúc vô giá lẽ ra có thể vừa tầm tay với của
cô, mà bây giờ bắt buộc phải gạt bỏ. Niềm tiếc hận này thì bất cứ người nào
có tâm lý thực tế cũng phải đồng ý. Có bà mẹ thương con nào lại không
thông cảm với một cô gái chưa chồng, không một xu vốn liếng suýt nữa trở
thành một bậc mệnh phụ, hàng năm có thể cùng ông chồng chia xẻ món
tiền bốn nghìn đồng? Trong Hội chợ phù hoa này, có người thiếu nữ tử tế
nào lại không thương một cô gái chịu thương chịu khó, thông minh, xứng
đáng được sung sướng, mà khi được người ta mang đến cho một mối lợi
kếch xù đáng thèm muốn như vậy lại chính là lúc không có quyền nhận
nữa? Tôi chắc chắn rằng chúng ta ai cũng phải thông cảm với sự tiếc hận
của Rebecca.
Tôi còn nhớ một đêm kia, chính tôi có mặt ở Hội chợ phù hoa trong một
buổi dạ hội. Tôi có nhìn thấy cô gái già Toady cũng đến dự; cô đặc biệt
quan tâm săn sóc đến bà Briefless là vợ một viên thầy kiện; bà này cũng là
con nhà gia thế, nhưng ai cũng biết là nghèo xơ nghèo xác.
Tôi mới tự hỏi thầm rằng, tại sao cô Toady lại chú ý nhiều đến bà kia?
Tại ông Briefless đã được thăng chức chánh án chăng? Hay là tại vợ ông ta
để lại cho cô Toady một cái gia tài? Cô Toady, với thái độ rất thẳng thắn là
đặc tính trong cách cư xử của cô xưa nay, giải thích thế này: “Anh cũng rõ