hệ gì nữa. Tối hôm ấy, ông cho anh ta một món tiền lớn để trả tiền bộ quân
phục và đôi phù hiệu mới toanh, mặc vào tôn hẳn vẻ người lên.
Tiền chui vào túi anh chàng quen thói “vung tay quá trán” này thì bao
nhiêu cũng là ít. Anh ta không nói nhiều, cầm ngay lấy tiền. Những tấm
giấy quảng cáo bán đấu giá đã dán đầy trên tường nhà ông Sedley, nơi anh
ta đã hưởng bao giờ phút sung sướng. Một buổi tối, nhân đi từ nhà bố đẻ
đến quán trọ lão Xlôtơ, nơi anh ta nghỉ trọ mỗi khi về tỉnh, George cũng
nhìn thấy những tấm giấy ấy trắng lôm lốp dưới ánh trăng. Từ nay Amelia
cùng gia đình không còn được bước chân vào ngôi nhà kia nữa; không biết
bây giờ họ ở đâu? Nghĩ đến câu chuyện gia đình ông Sedley bị phá sản, anh
ta thấy buồn quá. Tối hôm ấy tại quán trọ lão Slaughters, Giơrgiơ có vẻ ủ rũ
đặc biệt; bạn bè đều thấy anh ta uống nhiều rượu hơn mọi ngày.
Bỗng Dobbin bước vào, anh định ngăn không cho bạn uống rượu, nhưng
Osborne đáp rằng mình buồn quá, phải lấy rượu để khuây khỏa. Dobbin hỏi
thăm một cách vụng về rằng vì sao bạn buồn, và lấy vẻ quan trọng hỏi xem,
bạn có được tin tức gì không; nhưng Osborne không chịu đáp, chỉ nhận
rằng mình rất đau khổ và bối rối vô cùng.
Ba ngày sau, Dobbin gặp lại Osborne trong phòng riêng của bạn ở trại
lính… Anh ta ngồi gục đầu bên bàn, xung quanh giấy má bừa bộn; hình
như viên đại úy trẻ tuổi đang có điều gì sầu não.
- Nàng… nàng gửi trả lại tôi những tặng vật cũ… mấy món đồ trang sức.
Anh xem kìa!
Thì ra có một tập thư, chữ viết rất quen thuộc với đại úy George
Osborne, và mấy thứ đồ vật vứt hỗn độn bên cạnh: một con dao bạc anh ta
mua tặng người yêu trong một buổi đi chơi hội chợ hồi còn nhỏ, một sợi
dây chuyền bằng vàng và một tấm huy hiệu hộp trong có mấy sợi tóc.
Anh ta vừa rên rỉ có vẻ đau xót hối hận vừa nói:
- Thôi, thế là hết. Kia kìa, Will anh có đọc thì đọc.
George tay chỉ một lá thư ngắn, trong viết: