trong “lô” ghế riêng ở rạp Opera cạnh bà tiên gỗ đào hoa tâm nhỉ!” Không
những thế, trong gia đình nhà Osborne anh con trai cũng bướng bỉnh chẳng
kém gì ông bố, một khi đã thích cái gì là thực hiện kỳ được; mà khi tức
giận thì George cũng thô bạo chẳng khác gì ông Osborne.
Khi ông bố chính thức “gợi ý” anh ta lần đầu tiên về vấn đề lấy cô
Swartz, George còn ngọt ngào kiếm cách nói lảng:
- Tiếc rằng ba không quyết định việc này sớm hơn. Bây giờ không kịp
nữa rồi; không biết chúng con phải lên đường ra ngoại quốc hôm nào. Đành
chờ đến khi con trở về nước vậy, nếu may mà con về được.
Anh ta gắng tỏ cho cha hiểu rằng bây giờ không phải lúc tính chuyện
nhân duyên, vì trung đoàn thứ… không biết ngày nào rời khỏi nước Anh;
còn ít ngày nữa, cần để thu xếp công việc, không lòng nào lo chuyện yêu
đương. Bao giờ anh ta trở về đeo lon thiếu tá, lúc ấy sẽ hay. George thêm:
- Con xin hứa với ba rằng, bằng cách này hay cách khác, ba cũng sẽ
được thấy tên George Osborne đăng trên báo “Tin tức”.
Câu trả lời của ông bố căn cứ trên những tin tức thu lượm được ở khu
City, nghĩa là, nếu chậm chân, chắc chắn bọn con nhà dòng dõi ở West End
sẽ phỗng tay trên cô gái mất; và nếu anh ta chưa cưới được cô Swartz bây
giờ, ít nhất cũng nên đính hôn ngay có giấy tờ cẩn thận làm bằng, khi nào
về nước chỉ việc làm lễ cưới là xong; hơn nữa ông muốn con trai hiểu rằng
một khi người ta có thể ngồi nhà mà kiếm được mỗi năm một vạn đồng, thì
có hóa dại mới đi ra nước ngoài mà thí mạng. George chặn ngay:
- Nghĩa là cha muốn con tỏ ra hèn nhát, và chịu bôi nhọ tên tuổi dòng họ
nhà ta vì món tiền vốn của cô Swartz?
Câu nói làm ông già choáng cả người. Nhưng ông ta vẫn kiên quyết đáp:
- Ngày mai, anh sẽ đến ăn cơm trưa ở đây, và bất cứ hôm nào có cô
Swartz đến chơi, anh cũng phải có mặt ở đây để tiếp Nếu anh cần tiền, cứ
hỏi ông Chopper.
Thế là dự định của anh ta về Amelia lại gặp thêm một trở ngại nữa.
Dobbin và George đã hội ý với nhau nhiều lần về việc này. Ý kiến của